2021.06.14 - 1952 lượt xem
Từ khi đập ngăn mặn sông Lại Giang đi vào hoạt động, người sống ven sông thoát nỗi ám ảnh xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt.
Trước đây, nếu thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân sống 2 bên bờ sông Lại Giang (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vô cùng khốn khổ bởi mất nguồn nước sản xuất. Nước sinh hoạt cũng bị “đứt”, lúa và rau màu khô khát vì ruộng đồng bị xâm nhập mặn.
Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, sau khi công trình đập ngăn mặn sông Lại Giang đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả thiết thực. Năm nay, mới bước vào mùa khô đã xảy ra nắng nóng gay gắt, nhưng các tuyến kênh mương nội đồng cung cấp nước tưới cho cánh đồng các xã, phường Hoài Mỹ, Hoài Đức, Hoài Xuân (Thị xã Hoài Nhơn) luôn tràn trề nước trong vắt được bơm lên từ công trình đập ngăn sông Lại Giang.
Hoành tráng công trình đập ngăn mặn sông Lại Giang (TX Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho biết địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất Thị xã Hoài Nhơn với trên 710 ha. Những năm trước, khi chưa xây dựng công trình ngăn mặn, bước vào sản xuất vụ hè thu, nhiều diện tích sản xuất lúa tại các thôn An Nghiệp, Khánh Trạch, Định Trị bị khô hạn do nguồn nước trên sông Lại cạn kiệt, phải bỏ hoang hay phải chuyển sang cây trồng cạn.
Vụ hè thu cũng là thời điểm thủy triều dâng cao, mang theo nước mặn vào nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nằm 2 bên bờ sông khiến hàng chục ha lúa, rau màu của người dân úa vàng rồi chết rụi dần.
Đó là chưa nói đến trình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, bởi những giếng khoan, giếng đào ở đây đều mất mạch nước ngầm, dẫn đến nhiễm phèn nặng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Thế nhưng từ khi công trình đập ngăn mặn sông Lại Giang đi vào hoạt động, người dân ở đây thoát được những nỗi ám ảnh này.
“Có được nguồn nước tưới dồi dào nên vụ hè thu năm 2021, lần đầu tiên địa phương đưa vào gieo sạ 95% diện tích, tương đương với vụ đông xuân 2020-2021”, ông Tuấn chia sẻ.
Nước từ đập ngăn mặn qua hệ thống kênh mương đưa về ngập đồng, vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo được mạch nước ngầm. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Gương mặt nông dân Nguyễn Văn Thiệt ở thôn An Nghiệp (xã Hoài Mỹ) không giấu được nét rạng rỡ cho biết: Trước đây, vào mùa nắng nóng, giếng nước của gia đình chỉ bơm được vài phút là cạn. Nước lại bị nhiễm phèn nặng, chỉ dùng để tưới cây chứ không thể sử dụng để uống hay nấu nướng.
Đồng ruộng bị xâm nhập mặn, chỉ canh tác được vụ đông xuân, vụ hè thu thì phải đắp bờ ngăn mặn mới có thể sản xuất, nhưng cũng rất bấp bênh.Nay nước từ đập ngăn mặn qua hệ thống kênh mương đưa về ngập đồng, vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo được mạch nước ngầm, nên giờ đây nước giếng của người dân đã trong xanh trở lại, bơm hàng giờ vẫn không hết nước. Phấn khởi hơn là giờ đây, bà con không còn phải lo nước mặn xâm nhập làm chết lúa, hư hại hoa màu.
Là địa phương nằm sát bờ nam đầu nguồn sông Lại, phường Hoài Đức (Thị xã Hoài Nhơn) có diện tích sản xuất lúa với 705ha. Ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Đức, nhớ lại: Hàng năm, khi bước vào vụ hè thu, địa phương phải huy động hàng trăm ngày công nạo vét kênh mương chống thất thoát nước.
Nguồn nước ngọt từ đập ngăn mặn sông Lại Giang đã giải quyết dứt điểm tình trạng ruộng khô, người khát ở Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Thậm chí phải thuê hàng chục ca máy nắn dòng nước ít ỏi còn lại trên sông Lại dồn về 4 trạm bơm nhưng vẫn không đủ nguồn nước tưới cho lúa và các loại hoa màu khác. Nay nguồn nước ngọt từ đập ngăn mặn dâng lút bờ, dâng cao lên đến tận điểm hợp lưu giữa 2 dòng sông Kim Sơn và An Lão nên đã giải quyết dứt điểm trình trạng đất khô, người khát kéo dài suốt hàng chục năm qua.
Đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Xuân (65 tuổi) ở khu phố Bình Chương (phường Hoài Đức) vẫn còn nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô ám ảnh. Ông kể, trước giờ phường Hoài Đức vẫn chưa có hệ thống nước sạch, nên khi vào mùa nắng hạn là bà con lao đao vì thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.
Nước dùng để ăn uống phải mua mới có dùng, nhưng gian nan nhất là thiếu nguồn nước để tưới cây trái, hoa màu, giặt giũ, tắm rửa. Một số giếng khoan tuy còn nước nhưng khi bơm lên chừng 15 đến 20 phút là xuất hiện màu nâu vàng, nổi váng lềnh bềnh.
Biết là nước không đảm bảo vệ sinh, nhưng bà con đành nhắm mắt dùng liều, còn bây giờ có nguồn nước từ đập ngăn mặn dâng lên nên tất cả giếng đào, giếng khoan được phục hồi lại nguồn nước ngầm.
Không chỉ phục vụ sản xuất, dân sinh, đập ngăn mặn Lại Giang còn tạo môi trường cảnh quan cho nhiều khu vực ở Thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoài Nhơn đánh giá: Đập ngăn mặn sông Lại Giang là công trình mang tầm chiến lược vì lợi ích dân sinh, đáp ứng niềm khát khao mong mỏi nhiều năm của hàng chục ngàn người dân sống ven bờ và hạ lưu sông Lại. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho trên 1.000 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tái tạo mạch nước ngầm. Đồng thời tạo được cảnh quan môi trường sinh thái, mở ra cơ hội, tiềm năng kinh tế cho các ngành nghề du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển. Đó cũng là mục tiêu lớn hướng tới để xây dựng Thị xã Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III giai đoạn 2021-2025 và thành phố Hoài Nhơn trước năm 2035”, |
Nguồn: nongnghiep.vn