Nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai

2021.05.25 - 1155 lượt xem

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng chống Thiên tai.

Tại buổi làm việc, Viện Quy hoạch thủy lợi đã báo cáo với Bộ trưởng về Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi (PCTT&TL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về hiện trạng hạ tầng PCTT&TL, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn có diện tích phục vụ trên 2.000 ha; đảm bảo phục vụ khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,29 triệu ha/2,4 triệu ha; cấp nước cho 686.600 ha nuôi trồng thủy sản…Tuy nhiên, công tác PCTT&TL còn những tồn tại, khó khăn như thiếu nguồn nước do biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, gây hạn hán, thiếu nước; xâm nhập mặn với mức độ lớn hơn; hệ thống thủy lợi xuống cấp, năng lực không đảm bảo; hạ thấp mực nước dòng chính các lưu vực sông; hiệu quả tưới chưa cao (tỷ lệ tưới lúa cao, chuyển đổi chậm, tưới cây trồng cạn thấp); ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi.

Đối với các hệ thống sông có đê (phía Bắc đến Hà Tĩnh) chưa đủ cao độ chống được lũ thiết kế, chất lượng đê và công trình liên quan chưa đảm bảo, áp lực sử dụng bãi, sông, vi phạm đê điều làm suy giảm khả năng thoát lũ. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn. Sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều nơi, hệ thống kè bảo vệ thiếu và xuống cấp. Sạt lở bờ biển xảy ra ở nhiều nơi, đê biển chưa đủ cao độ, mặt cắt yêu cầu, thiếu công trình bảo vệ. Hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần chưa hoàn thiện tại các vùng có nguy cơ cao.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, mục tiêu của Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi (PCTT&TL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đảm bảo tưới, cấp nước, tiêu thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển của các quốc gia thượng nguồn.

Đối với vùng ngập lũ đặc thù tại đồng bằng Sông Cửu Long cần chủ động “sống chung với lũ”, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững, tập trung; xác định các tiểu vùng sinh thái làm định hướng chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, bao gồm: vùng đồng bằng ngập lũ, vừng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao, công trình kiểm soát lũ đảm bảo kiểm soát lũ, phát triển sản xuất bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Toàn cảnh buổi làm việc

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/