Tiết kiệm nước trong sản xuất vụ hè thu

2021.05.24 - 1203 lượt xem

* Thời tiết thuận lợi

Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân toàn tỉnh Khánh Hòa sản xuất trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tình hình sâu hại được kiểm soát. Toàn tỉnh đã gieo sạ được hơn 20.000ha lúa, năng suất bình quân ước đạt 66 tạ/ha. Cây chất bột có củ 3.109,8ha, cây thực phẩm 2.481,6ha, cây công nghiệp hàng năm đạt 10.921ha.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, hiện tượng ENSO tiếp tục trong pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì cho đến hết tháng 5 với xác suất khoảng 60%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2021. Từ tháng 4 - 5, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 30%. Trong khoảng tháng 6 - 8, lượng mưa xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 20%. Hiện nay, dung tích tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh trung bình đạt 70% so với thiết kế. Lượng nước này đảm bảo tưới cho hầu hết trong số 20.000ha lúa hè thu đang được nông dân tích cực triển khai.

 

Nông dân Diên Khánh làm ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa hè thu.

* Rút ngắn thời vụ

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ có thể xảy ra trong các tháng mùa khô năm 2021. Để chuẩn bị tốt cho vụ hè thu, vụ mùa năm 2021, ngày 12-5, Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị phòng NN-PTNT các huyện; phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, khoanh vùng sản xuất và chuyển đổi cây trồng, mùa vụ; rà soát kế hoạch gieo trồng vụ hè thu, vụ mùa, cân đối nguồn nước tưới, chủ động khoanh vùng sản xuất lúa, màu, khu vực chuyển đổi cây trồng để có giải pháp chỉ đạo. Trong đó, vùng chủ động và an toàn nguồn nước cần bố trí lịch thời vụ đúng kế hoạch, đầu tư thâm canh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao; gieo sạ tập trung vào trà chính vụ. Vùng không chủ động hoàn toàn nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xây dựng kế hoạch chống hạn để chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp với việc gieo sạ sớm, sử dụng các giống chịu hạn, giống ngắn ngày hoặc chuyển đổi sang cây rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn để hạn chế đến mức thấp nhất do hạn hán gây ra. Riêng các vùng không có khả năng tưới, thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất tránh thiệt hại do nắng hạn.

Sở NN-PTNT cũng đã quán triệt đến từng địa phương, đơn vị cụ thể về khả năng đảm bảo nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; gieo sạ tập trung theo từng khu vực, từng cánh đồng để rút ngắn thời gian gieo sạ và tiết kiệm nước tưới; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng tưới nước tiết kiệm. Đồng thời, thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế; tổ chức nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình.

Theo bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, qua tính toán chuyên môn, việc gieo sạ lúa hè thu cần tránh lúa trổ vào thời điểm gió khô nóng từ tiết Tiểu thử đến Đại thử (7, 8-7 đến 23, 24-7). Đặc biệt là khu vực phía bắc tỉnh như Vạn Ninh, Ninh Hòa thường bị ảnh hưởng lớn bởi gió khô nóng này. Sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, đến đầu tháng 6 cơ bản gieo sạ xong lúa hè thu. Trong đó, trên một cánh đồng cần bố trí cơ cấu giống lúa với tỷ lệ hợp lý, mỗi giống không quá 30% diện tích; chỉ đạo gieo sạ tập trung để tránh các đợt cao điểm phát sinh sâu bệnh hại và dễ điều tiết nước tưới, thu hoạch cơ giới thuận lợi. Riêng các huyện, thành phố phía nam của tỉnh, ít bị ảnh hưởng của gió nóng trong vụ hè thu thì có thể gieo sạ lúa tập trung từ ngày 10 đến 25-5 ở vùng chủ động nước.

Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử