2021.05.04 - 1536 lượt xem
Mùa mưa lũ đã cận kề, trong khi thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh sát sao chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN); bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, khẩn trương sửa chữa, gia cố các công trình hư hỏng, xuống cấp.
Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước, có 49 hồ lớn, 151 hồ, đập loại vừa, 274 hồ, đập loại nhỏ. Hiện, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 203 hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn tỉnh. Số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác.
Theo Sở NN&PTNT, qua báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm nay. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Theo đó, qua kiểm tra, rà soát, trong tỉnh hiện có 212 hồ bị hư hỏng, xuống cấp; 332 hồ hoạt động bình thường. Số lượng hồ, đập hư hỏng, xuống cấp chiếm 38,9% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, song, do điều kiện khó khăn nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp mà hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác phải gia cố đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.
Trong tổng số các công trình hư hỏng, có 106 hồ, đập chứa nước thủy lợi bị hư hỏng ở các hạng mục: Thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước, như các hồ: Mỏ Luông - xã Chiềng Châu, Khả - xã Mai Hạ (Mai Châu); Đồi Vầu - xã Phú Nghĩa, Cây Mào - xã An Bình (Lạc Thủy); Ba Sào, xã Đa Phúc (Yên Thuỷ); Cầu, xã Hùng Sơn (Kim Bôi)... Ngoài ra, có 106 bai, đập dâng và các công trình khác cần phải sửa chữa trong thời gian tới.
Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác PCTT, TKCN; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có công trình hồ chứa nước thủy lợi, đê, kè tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 11/9/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở để đảm bảo công trình phải có chủ quản lý rõ ràng, cụ thể. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý công trình thủy lợi và PCTT, đảm bảo đủ năng lực điều hành, ứng phó khi có tình huống xảy ra; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, kiểm tra hồ, đập trước, trong và sau mùa mưa lũ, nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi; xây dựng phương án tích nước hợp lý, hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du...
Ngoài ra, trước thực trạng các công trình hư hỏng, xuống cấp, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, đơn vị chức năng quan tâm xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý công trình.
Đối với các hồ, đập đang thi công cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục chính đảm bảo cao trình chống lũ, đồng thời không thực hiện tích nước hồ và cắt xẻ đập sau ngày 15/5/2021. Trường hợp thi công trong mùa mưa, các đơn vị phải có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo tiến độ, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập, tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa, đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép.
Đối với các công trình đang thi công cần tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước, đề nghị đơn vị quản lý, chủ đầu tư thường xuyên theo dõi công trình, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa nước để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; kiểm tra, phát dọn, xử lý tổ mối trên thân đập để thuận lợi cho công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập...
Nguồn: baohoabinh.com.vn