Rà soát phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình thủy lợi và vùng hạ du

2021.04.05 - 1480 lượt xem

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập.    

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 95%, sau đó giảm dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Từ tháng 6,7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông; các cơn bão có xu hướng di chuyển mạnh hơn, phức tạp hơn; lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Thực tế, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thường diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật. Đặc biệt, từ ngày 6/10 đến 15/11 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra 7 cơn bão, gây mưa lớn kéo dài. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều công trình thủy lợi đã bị xuống cấp, có nguy cơ cao xảy ra sự cố trong mùa mưa, bão và sự cố bất thường ngay trong mùa khô.  

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp, bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ về quản lý an toàn công trình thủy lợi. Đồng thời, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng để có thể xử lý ngay nếu có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du đập. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập. Trong đó, tập trung xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là thành phố, thị xã, khu công nghiệp,...

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước và sau mùa mưa, lũ.

Về phía Tổng cục Thủy lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cần theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời thông tin, cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về thủy lợi.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư bố trí kinh phí trong tổng mức đầu tư của các dự án để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong quá trình thi công.

Riêng đối với các hồ chứa nước do Bộ quản lý, phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác, các địa phương và các đơn vị tư vấn vận hành theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để tính toán phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du./.

Nguồn: dangcongsan.vn