ĐBSCL chủ động ứng phó mùa hạn, mặn mùa

2021.02.05 - 1240 lượt xem

Các địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực chuẩn bị các phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn khi mùa khô 2021 đang cận kề.

Vĩnh Long: Xây dựng 3 kịch bản

Từ giữa tháng 1/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn cho năm nay.

Mùa khô năm nay, theo dự báo, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như năm 2016, năm 2020. Nhiều khả năng, hạn hán và xâm nhập mặn lặp lại vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tới đây ở ĐBSCL và các tháng tiếp theo.

 

Các cơ quan chức năng, khoa học dự báo lượng nước ngọt thượng nguồn về ĐBSCL mùa khô năm nay sẽ giảm mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Ngay từ thượng tuần tháng 1/2021, tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, chú trọng các giải pháp đầu tư nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, củng cố bờ bao, duy tu, sửa chữa các cửa cống, bọng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ (đập tạm) ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, mặn, đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đưa ra tới 3 kịch bản xâm nhập mặn, gồm: Kịch bản xâm nhập mặn nhẹ hơn mùa khô năm 2015-2016; xâm nhập mặn bằng mùa khô 2019-2020 và xâm nhập mặn như đã xảy ra vào mùa khô 2019-2020. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung các biện pháp công trình và phi công trình ứng phó hạn, mặn theo kịch bản thứ ba.

 

Vận hành cống Bông Bót lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cho hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Xâm nhập mặn dự báo bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2020 (trên sông Hậu) và đầu tháng 3 (trên sông Tiền) và kéo dài đến tận tháng 5.

Số huyện dự báo bị ảnh hưởng biên mặn từ 1 - 100 phần nghìn là 6 huyện, thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long). Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn 67.294 ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước 94.835 ha. Bên cạnh đó có khả năng có 75.784 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Kế hoạch dự kiến, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 114 công trình, dự án thủy lợi, cấp nước sạch và hỗ trợ nước tưới cho vườn cây ăn trái, hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện huy động cấp nước ở vùng bị nhiễm mặn cao, với tổng vốn dự tính hơn 1.655 tỷ đồng để ứng phó với trường hợp xảy ra hạn, mặn như kịch bản đã định.

Tỉnh còn chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các sở, ngành tỉnh và ban, ngành cấp huyện, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự, công an để tham gia ứng phó tình huống hạn, mặn gay gắt xảy ra.

 

Trữ nước ngọt nội đồng ở tỉnh Vĩnh Long còn khó khăn. Ảnh: Thành Quang.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tuy chuẩn bị kỹ cho công tác ứng phó với hạn, mặn, tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong việc trữ nguồn nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Hiện tại, việc trữ nước của tỉnh chỉ nhờ vào những kênh, rạch nội đồng trong vùng ô đê bao còn kênh, rạch ngoài vùng đê bao hoàn toàn hở, không trữ được, triều xuống là nước rút hết. Nhưng kênh, rạch trong nội đồng phần lớn là kinh nhỏ, nên lượng nước ngọt trữ rất hạn chế, chỉ có thể sử dụng để tưới, cho sinh hoạt được trong vòng 7-10 ngày. Nếu thời gian đóng cống, ngăn mặn kéo dài hơn từ 15 ngày đến 1 tháng thì không đủ dùng hoặc nước bị ô nhiễm, không dùng được…   

Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết thời gian qua, nhờ Bộ NN-PTNT kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, một số cống lớn diện tích phục vụ từ vài ngàn đến vài chục ngàn ha, trữ được lượng nước khá lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, phần lớn tập trung ở vùng Nam Măng Thít, như: cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, cống Cái Hóp, cống Nàng Âm và cống Cái Tôm.

Tuy nhiên, việc trữ nước của các cống lớn này cũng chưa kín, vì nước có thể theo các kênh, rạch chưa có cống thoát ra sông Măng, sông Hậu hoặc đi thẳng xuống Trà Vinh. Bên cạnh đó, ở vùng Nam sông Măng Thít vẫn còn các vàm sông, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Măng và sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn, nên nước mặn vẫn còn thâm nhập vào nội vùng.

Tại kế hoạch, năm nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh 1.579 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án thủy lợi tạo nguồn cấp nước tưới phục vụ phòng chống hạn, mặn (chiều dài 303.500 m, diện tích phục vụ 53.500 ha), gồm: dự án hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc sông Cổ Chiên (ở huyện Mang Thít); dự án nạo vét hệ thống thủy lợi kênh Trà Ngoa (ở huyện Trà Ôn và Vũng Liêm); dự án hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt khu vực các xã cù lao ở huyện Long Hồ; dự án nạo vét kênh La Ghì - Trà Côn (ở huyện Trà Ôn); dự án nạo vét kênh Cái Cá - Mây Tức (huyện Vũng Liêm, Trà Ôn); nạo vét 120 km kênh cấp 2 liên huyện để trữ nước và 1 hồ chứa nước rộng 3 ha ở thị trấn Trà Ôn.

Tiền Giang: Thi công đập thép trữ nước ngọt

Để chủ động phòng chống hạn mặn đang tấn công, ngày 28/1, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khởi công xây dựng đập thép ngăn nước mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Song Thuận, huyện Châu Thành). Đây là công trình ngăn mặn có quy mô lớn để cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành được xây dựng tại tại km 01+070 (thuộc địa phận xã Song Thuận và xã Bình Đức, huyện Châu Thành). Chiều dài của đập thép này là 76 mét, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tiền Giang thi công trong thời gian 12 ngày.

Đập thép được xây dựng phải đảm bảo khả năng chống nước mặn xâm nhập từ sông Tiền, dự trữ nguồn nước ngọt hiện hữu của kênh Nguyễn Tấn Thành để cung cấp nước ngọt tưới tiêu và nước phục vụ cho 2 nhà máy xử lý nước của tỉnh Tiền Giang và 1 nhà máy xử lý nước của tỉnh Long An.

Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang, nếu nước mặn xâm nhập sâu, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 7 đập thép trên các kênh, rạch khác để trữ ngọt. Trước khi thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành, các ngành chức năng đã thông báo và hướng dẫn các phương tiện thủy lưu thông theo các tuyến đường thủy khác.

 

Thi công đập thép kênh Nguyễn Tấn Thành trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của hơn 1,1 triệu dân Tiền Giang và Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tiền Giang, Chỉ huy trưởng công trình đắp đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành cho biết: Để đảm bảo nhu cầu ngăn mặn, đơn vị thi công lao động khẩn trương 3 ca, dự kiến sau 12 ngày sẽ hoàn thành để hợp long trước khi nước mặn tấn công.

Trong quá trình thi công 12 ngày, đơn vị thi công cố gắng tăng ca đêm, canh thêm con nước. Dự kiến có 2 tổ đóng cọc. Trong đó huy động 4 thiết bị đóng cọc(có 2 cần dự phòng) đổi ca liên tục.

Trong quá trình thi công, vấn đề an toàn lao động đặt lên hàng đầu, vấn đề kỹ thuật cũng rất quan tâm, vì đập này rộng hơn các đập khác, dòng chảy cũng lớn, nên đơn vị tập trung nhân lực có nhiều kinh nghiệm, trải qua nhiều công trình để quyết tâm hợp long trước Tết Tân Sửu. 

 

 Trà Vinh: Tranh thủ lấy nước ngọt

Tại Trà Vinh, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Tranh thủ độ mặn ở các cửa cống lớn ven hai tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu giảm, tỉnh đã vận hành các cống Láng Thé, Cái Hóp (sông Cổ chiên) để lấy nước ngọt. Vận hành mở lấy nước vào 1 đến 2 cửa. Một con nước lấy từ 4 - 6 ngày. Các cống Mỹ Văn, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh vận hành mở lấy nước vào 1 đến 2 cửa. Một con nước lấy được 4 ngày. Hiện mực nước nội đồng vẫn còn khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong công tác thủy lợi nội đồng, tỉnh đã tổ chức nạo vét 21 công trình, chiều dài trên 27 nghìn mét, khối lượng đào đắp gần 195 nghìn mét khối. Nâng tổng số đến nay, huyện Cầu Kè đã nạo vét 32 công trình, chiều dài trên 43 nghìn m, khối lượng đào đắp trên 244 nghìn mét khối.

 Tại Trà Vinh, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Tranh thủ độ mặn ở các cửa cống lớn ven hai tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu giảm, tỉnh đã vận hành các cống Láng Thé, Cái Hóp (sông Cổ chiên) để lấy nước ngọt. Vận hành mở lấy nước vào 1 đến 2 cửa. Một con nước lấy từ 4 - 6 ngày. Các cống Mỹ Văn, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh vận hành mở lấy nước vào 1 đến 2 cửa. Một con nước lấy được 4 ngày. Hiện mực nước nội đồng vẫn còn khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong công tác thủy lợi nội đồng, tỉnh đã tổ chức nạo vét 21 công trình, chiều dài trên 27 nghìn mét, khối lượng đào đắp gần 195 nghìn mét khối. Nâng tổng số đến nay, huyện Cầu Kè đã nạo vét 32 công trình, chiều dài trên 43 nghìn m, khối lượng đào đắp trên 244 nghìn mét khối.

Nguồn: nongnghiep.vn