2021.01.23 - 1418 lượt xem
Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc quy hoạch ĐBSCL phải đi trước, theo hướng thuận thiên nhưng cần thích hợp với hạ tầng đã có.
Ngày 21/1, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT có buổi làm việc để đóng góp cho “Dự thảo Quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, các đơn vị liên quan và Công ty tư vấn Haskoning DHV, Hà Lan.
Trong buổi làm việc này, các bên cùng nhau thảo luận về hàng loạt vấn đề liên quan đến nông nghiệp của khu vực ĐBSCL. Cụ thể là các nội dung gồm phân vùng, phát triển nông thôn, thủy lợi, phòng chống thiên tai, trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Thích nghi có kiểm soát
Theo dự thảo mà đơn vị tư vấn - Công ty Haskoning DHV của Hà Lan đưa ra, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi cho ĐBSCL sẽ được phân vùng một cách tự nhiên thành 3 nhóm: Nước ngọt quanh năm; nước mặn lợ quanh năm; nước ngọt lợ luân phiên.
Trong vùng nước ngọt lợ luân phiên, các phương hướng được đưa ra bao gồm kiểm soát nhưng không ngăn mặn, từ đó chuyển đổi sinh kế theo hướng thích nghi biến đổi khí hậu như tập trung vào thủy sản hay các loạt cây trồng có giá trị cao.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho rằng, việc phân vùng trong dự thảo còn mờ nhạt, chưa có tính kế thừa, đặc biệt là kế thừa cơ sở hạ tầng về thủy lợi.
Ngoài ra, việc phân vùng cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên phương án chuyển đổi sinh kế cần được nghiên cứu cụ thể hơn. Nguyên nhân, theo ông Dũng là vì không phải người dân nào cũng chấp nhận thay đổi, bỏ đi những gì họ đang có.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định, việc phân vùng mặn ngọt theo tự nhiên là không khả thi vì vấn đề hiện nay của ĐBCSL là hạn mặn không ổn định, có nơi năm nay mặn sang năm lại không. Do đó, nếu phân vùng tự nhiên thì chuyển đổi sản xuất sẽ không theo kịp.
“Việc phân chia thành 3 vùng để sản xuất, sinh hoạt là cần thiết nhưng phải có tính cố định tương đối. Từ đó làm căn cứ, giúp các địa phương và người dân quyết định sẽ sản xuất gì cho phù hợp”, Thứ trưởng Hiệp nêu ý kiến.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh, về tổng thể, quy hoạch ĐBSCL cần theo hướng thuận thiên, nghĩa là thích nghi có kiểm soát để tạo ra những phát triển đột biến cho ngành nông nghiệp ở khu vực này. Trong đó, quy hoạch thủy lợi phải đi trước nhưng cần thích hợp với hạ tầng đã có.
Quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 cần đáp ứng được nhiều yêu cầu cho ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.
Đảm bảo an ninh lương thực
Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang có 1,8 triệu ha diện tích canh tác lúa. Theo dự thảo quy hoạch mà Haskoning đưa ra, đến năm 2030, diện tích này chỉ còn là 1,4 triệu ha và xuống 1 triệu ha vào năm 2050. Tương đương sản lượng cũng giảm từ 23,6 triệu tấn lúa hiện nay xuống còn 10-15 triệu tấn trong tương lai xa.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, những con số này cần được tính toán lại, căn cứ thêm vào lượng tăng dân số của vùng ĐBSCL và TP. HCM để đưa ra được sản lượng tối thiểu nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho vùng.
Chỉ đạo thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giao Cục Trồng trọt nghiên cứu để đưa ra con số cụ thể về lượng lúa cần thiết đối với ĐBSCL vào năm 2030, từ đó giúp đơn vị tư vấn đưa ra được phương hướng quy hoạch phù hợp.
Ngoài diện tích và sản lượng lúa, đơn vị tư vấn của Hà Lan cũng cho rằng cần chuyển nhanh diện tích lúa từ 3 vụ về 2 vụ hoặc 1 vụ kết hợp với rau màu hoặc thủy sản. Tuy nhiên, phương án này cũng được cho là cần đánh giá thêm.
“Bỏ lúa hiện nay là vấn đề cực lớn đối với ĐBSCL, trước mắt có thể thấy ngay là An Giang, Đồng Tháp sẽ không làm được. Nếu bỏ lúa vụ 3 thì vụ còn lại phải làm gì?”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu quan điểm, sau đó yêu cầu Cục Trồng trọt phải đưa ra được ý kiến về vấn đề này.
Trong dự thảo này, phát triển thủy sản được xem là 1 trong 3 quan điểm chủ đạo, cụ thể là thay đổi tư duy về an ninh lương thực, xoay trục chiến lược sang trái cây - thủy sản - lúa gạo để phù hợp với thị trường.
Đơn vị tư vấn cho rằng trong tương lai cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản. Với khai thác, sẽ thu hẹp sản lượng nhưng nâng cao năng lực bảo quản, chế biến để tăng giá trị, giảm thất thoát.
Về nuôi trồng, tổ chức duy trì và chuyển đổi phương thức nuôi thủy sản theo hướng tăng năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, áp dụng các phương thức phù hợp với hệ thống nuôi thủy sản đặc trưng cho vùng mặn lợ và vùng ngọt.
Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ và khai thác hợp lý để phát triển thủy sản bền vững ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, để tối ưu được phương án quy hoạch, ông yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải tính toán được nuôi ở đâu, sản lượng tối đa đến năm 2030 là bao nhiêu. Từ đó phối hợp với Haskoning, đưa ra các điều chỉnh hợp lý cho dự thảo.
Nguồn: nongnghiep.vn