Vận hành cống Cái Bé - Cái Lớn từ mùa khô để phòng chống hạn mặn

2021.01.18 - 1406 lượt xem

Cống Cái Bé sẽ vận hành từ tháng 2, còn Cái Lớn là tháng 5, để kịp thời phát huy hiệu quả phòng chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2021.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn, khắc phục hậu quả hạn mặn và xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chiều 15/1.

 

Kiểm tra công trình cống Cái Bé, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yều cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đến tháng 2/2020 sẽ đưa công trình vào vận hành, phát huy hiệu quả ngay từ đầu mùa khô 2020. Ảnh: Trung Chánh.

Đoàn đã đến kiểm tra việc vận hành cống Kênh Nhánh (TP Rạch Giá), công trình vừa hoàn thành đưa vào sử dụng giúp khép kín các cửa sông trên địa bàn TP Rạch Giá đổ ra Biển Tây. Nhờ đó, đã giúp Kiên Giang chủ động trong việc cung cấp nguồn nước ngọt cho nhà máy cấp nước của tỉnh, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Rạch Giá và các huyện lân cận. Đồng thời, sẽ ngăn mặn bảo vệ sản xuất lúa ở các huyện trọng điểm như Tân Hiệp, Hòn Đất…

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra việc vận hành cống Kênh Nhánh, công trình vừa hoàn thành đưa vào sử dụng giúp khép kín các cửa sông trên địa bàn TP Rạch Giá đổ ra Biển Tây. Ảnh: Trung Chánh.

Kiểm tra xây dựng cống Cái Bé, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, để đến giữa tháng 2 sẽ đóng khẩu, đảm bảo việc ngăn mặn hiệu quả ngay từ đầu mùa khô. Đối với cống Cái Lớn, nhà thầu cần đưa các kỹ sư, chuyên gia giỏi nhất vào để lắp đặt phần cơ khí, đảm bảo chính xác, sớm đưa vào vận hành từ tháng 5 tới.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, hiện nước mặn đã lấn sâu vào một số sông trên địa bàn tỉnh hàng chục km. Cụ thể, trên sông cái Lớn, độ mặn 4,0 g/l đã xâm nhập sâu 33km, còn 1,0 g/l là 44km (huyện Gò Quao). Tương tự, trên sông Cái Bé mặn xâm nhập 4,0 g/l là 16km  (huyện Châu Thành) và 1,0 g/l là 27km (huyện Giồng Riềng).

 

Đoàn kiểm tra công trường xây dựng cống Xẻo Rô trên kênh xáng Xẻo Rô, giúp Kiên Giang khép kín tuyến đê ven biển An Biên - An Minh. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh đã có kế hoạch đắp 340 đập tạm ngăn mặn mùa vụ, với kinh phí khảng 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu công Cái Bé vận hành sớm từ tháng 2 thì sẽ giảm được khoảng 160 đập tạm, chủ yếu ở Giồng Riềng. Ngoài ra, huyện U Minh Thượng đã triển khai lắp đặt 8 máy bơm công suất lớn, để bơm dự trữ nước ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 13 ngàn ra rừng và đất sản xuất nông nghiệp.

Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí hơn 163 tỷ đồng, trong tổng số trên 521 tỷ tỉnh cần để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021. Phần còn lại tỉnh chủ động từ các nguồn khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tặng quà cho bà con nông dân huyện An Biên bị ảnh hưởng thiên tai hạn mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo, các giải pháp phòng chống, hạn mặn mà tỉnh Kiên Giang đã triển khai hiệu quả thời gian qua. Điển hình là việc đắp đập tạm bảo vệ sản xuất rất hiệu quả, được các địa phương khác học tập, làm theo.

 

Đoàn đến thăm và tặng máy lọc nước uống trực tiếp cho 2 xã và một số trường học trên địa bàn huyện An Biên, để phục vụ bà con và học sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài ra, việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất, né hạn khá thành công, giúp cho Kiên Giang có một năm vừa qua trúng mùa, sản lượng vượt kế hoạch và nông trúng giá, có thu nhập tốt.

Nhân dịp này, đoàn đã đến thăm nông dân huyện An Biên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn mặn và tặng quà, động viên bà con sớm ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan ngay trong tháng 1 này phải xây dựng xong quy trình vận hành tạm thời, để khi cống Cái Bé đóng khẩu là vận hành được ngay, phát huy hiệu quả. Tiến độ vận hành cống Cái Lớn cũng phấn đấu tương tự. Đảm bảo phát huy hiệu quả phòng chống hạn mặn ngay trong mùa khô năm nay. Để hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé trở thành biểu tượng của hiệu quả đầu tư công và là công trình tiêu biểu về vượt tiến độ thi công. So với tiến độ mà Bộ NN-PTNT giao thì công trình đã vượt 4 tháng, còn so với kế hoạch là 10 tháng.

Nguồn: nongnghiep.vn