2021.01.15 - 1586 lượt xem
Các tỉnh ĐBSH cần tranh thủ tối đa lấy nước dự trữ ngay từ đợt xả nước 1 nhằm chuẩn bị tốt nhất cho gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021.
Ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2020 - 2021 tại tỉnh Nam Định.
Hơn 14.000ha khó lấy nước
Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, trên địa bàn tỉnh có 4 con sông chính là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ với nguồn nước tương đối dồi dào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thủy triều nên mặn thường xâm nhập sâu vào cửa sông, gây khó khăn cho công tác lấy nước phục vụ sản xuất gieo cấy.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác lấy nước đổ ải tại huyện Vụ Bản (Nam Định). Ảnh: Minh Phúc.
Theo các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định như Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, vụ đông xuân năm 2020 - 2021, mặn dự báo sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào cửa sông, gây rất nhiều khó khăn cho công tác lấy nước của vùng phía nam tỉnh.
Cụ thể, trên triền sông Hồng, mặn lên tới qua cổng Hạ Miêu I (cách biển 26km, gần ngã ba sông Ninh Cơ - sông Hồng) với độ mặn do được ngày 11/1 là 6,1 %, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng 5,1%.
Trên triền sông Ninh Cơ, mặn lên tới qua cống Thấp (cách biển 27km) với độ mặn lớn nhất đo được ngày 10/1 là 1,8%, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng 0,8%. Trên triền sông Đáy, mặn lên tới cổng Tam Tòa (cách biển 35km) với độ mặn lớn nhất đo được vào ngày 10/1 là 5%, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng 4%.
Kế hoạch vụ xuân 2021, tỉnh Nam Định sẽ gieo cấy khoảng 72.100ha lúa. Dự kiến, gieo mạ trước Tết Nguyên đán, tập trung từ ngày 2 - 5/2/2021, cấy từ ngày 16/2; hoàn thành trước ngày 25/2/2021. |
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định thông tin, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên thời gian có thể mở cống lấy nước bị giảm, có những cống gần biển không thể mở cổng lấy nước được do độ mặn quá cao. Theo thống kê, tổng diện tích dự kiến còn khó lấy nước do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh là khoảng 14.700 ha.
Cũng theo ông Việt, để đảm bảo cho việc lấy nước đổ ải, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các công ty, địa phương tăng cường nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng và theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến nguồn nước.
Bên cạnh đó, huy động tối đa phương tiện để lấy nước trong các đợt xả nước từ các hồ thủy điện, có phương án trữ nước vào hệ thống kênh mương để đề phòng trường hợp mực nước sông xuống thấp không đảm bảo cho các hệ thống thủy lợi vận hành. Tính đến hết ngày 12/1, các địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác làm thủy lợi nội đồng với khối lượng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Vũ Văn Kỳ chia sẻ, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (MTV KTCTTL) Hải Hậu triển khai chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để đảm bảo cho việc lấy nước một cách hiệu quả, thuận lợi nhất.
Ông Trần Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện công ty đã thống nhất với các tỉnh Hà Nam, Nam Định lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 thành 2 đợt.
Tại Nam Định, để chuẩn bị cho công tác lấy nước đổ ải, ngay từ ngày 16/12/2020, tranh thủ triều cường, công ty đã lấy nước tích trữ vào các kênh nội đồng, tạo dòng chảy để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, làm tăng chất lượng nước, phục vụ gieo cấy cho các địa phương.
Qua kiểm tra, ngày 12/1, mực nước ở các sông đã có chiều hướng tăng rõ rệt, chất lượng nước đảm bảo, không bị ô nhiễm. Công ty đang tích trữ nước vào hệ thống, phấn đấu đến đầu tháng 2/2021 (hết đợt 2), sẽ hoàn thành 90% diện tích cho các địa phương.
Tranh thủ lấy nước từ đợt 1, không chờ tới đợt 2
Kiểm tra thực tế tại Nam Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, căn cứ vào tình hình thời tiết, năm nay Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam lấy nước thành 3 đợt. Đợt 1, chủ yếu lấy nước để thau rửa và vệ sinh đồng ruộng và lấy nước cho một số vùng trũng (như ở Nam Định đã bắt đầu lấy nước).
Các địa phương huy động máy móc bừa ải sau khi ruộng đã lấy được nước. Ảnh: Minh Phúc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá mặc dù đến ngày 13/1, là ngày thứ hai lấy nước đợt 1, nhưng các tỉnh đã lấy được 5% diện tích. Như vậy, các địa phương đã rất chủ động trong việc lấy nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên theo kế hoạch, các tỉnh sẽ lấy nước tập trung vào đợt 2, từ ngày 26/1 - 2/2. Đây là đợt lấy nước trọng điểm, trọng tâm và trong đợt lấy nước này cơ bản diện tích 522.000ha của ĐBSH sẽ đủ nước (đợt 3 chủ yếu lấy nước để tưới dưỡng).
Vụ đông xuân 2020 - 2021, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương ngay sau lập xuân sẽ tiến hành cấy lúa. Do vậy, các địa phương cần chủ động lấy đủ nước, tích trữ nước trong đợt 2 nhằm vừa đảm bảo đổ ải, vừa đảm bảo cấy ngay sau khi gieo mạ xong.
Những năm gần đây, Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương đã điều chỉnh một số tập quán sản xuất để gieo cấy cùng thời điểm. Điều này sẽ rút ngắn được thời gian lấy nước. Nhờ đó năm 2020, đã tiết kiệm được hơn 2 tỉ m3 nước cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương vừa lấy nước, vừa tích nước trong tất cả hệ thống kênh, mương nhằm tận dụng tối đa trong thời gian lấy nước.
Đối với một số địa phương trước đây thường có thói quen đợi đến đợt xả nước đợt 2 mới lấy nước, năm nay cần phải tranh thủ lấy nước ngay từ đợt một nhằm sớm chủ động sản xuất, vừa tiết kiệm tối đa lượng nước mà các hồ thủy điện xả tăng cường. Như ở Nam Định, dự kiến sau lấy nước đợt 1 này, toàn tỉnh ước khoảng 50% diện tích có nước.
“Năm nay, có thể nói là một năm được ải, bởi khi các địa phương chỉ đạo cày ải xong thì trời chuyển nắng, khô. Do vậy, các địa phương cần chủ động lấy nước, ủ ải; nếu làm tốt việc này cộng với sự điều hành sản xuất tốt thì tin rằng vụ đông xuân 2020 - 2021 của các tỉnh ĐBSH sẽ tiếp tục được mùa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp hi vọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần ủ ải theo đúng quy trình, cố gắng chuyển mạnh gieo sạ sang phương thức gieo cấy truyền thống, bởi phương thức gieo sạ rất tốn nước, tốn nhiều lượng thóc giống…
Nguồn: nongnghiep.vn