2021.01.15 - 1388 lượt xem
Trời giá rét khiến công tác vệ sinh kênh mương, phục vụ lấy nước đổ ải của công nhân các trạm bơm trở nên vất vả hơn.
Theo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 của Bộ NN-PTNT khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ: Lịch lấy nước sẽ gồm 3 đợt tổng cộng 18 ngày, cụ thể như sau: Đợt 1 từ 0h00’ ngày 12/1/2021 đến 24h00’ ngày 15/1/2021; đợt 2: từ 0h00’ ngày 26/1/2021 đến 24h00’ ngày 2/2/2021; đợt 3 từ 0h00’ ngày 22/2/2021 đến 24h00’ ngày 27/2/2021.
Hệ thống máy móc điều khiển các trạm bơm đã được công nhân vận hành kiểm tra rất cẩn thận, sẵn sàng vận hành liên tục trong cả 3 đợt bơm. Ảnh: Trung Quân
Ghi nhận tại một số trạm bơm dọc sông Hồng trên địa bàn Hà Nội và Vĩnh Phúc, công tác lấy nước đổ ải đang diễn ra khẩn trương.
Tại trạm bơm Đan Hoài, Bá Giang (Hà Nội), đã hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, các phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn trước các cửa lấy nước.
Lực lượng vận hành máy bơm luôn duy trì mỗi ca từ 3 đến 4 công nhân trực liên tục 24/24 để tranh thủ nguồn nước xả tăng cường của các hồ thủy điện, tiến hành lấy nước từ hệ thống sông Hồng vào sông Đáy nhằm phục vụ đổ ải.
Chị Hoặc Kim Thanh, công nhân vận hành trạm bơm Đại Định (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Để đảm bảo hệ thống máy bơm vận hành ổn định trong cả 3 đợt lấy nước đổ ải, từ rất sớm, công tác vệ sinh máy móc, kiểm tra đường điện, nạo vét bể hút, vận hành chạy thử máy đã được tiến hành, nên hiện tại công tác bơm nước diễn ra rất thuận lợi.
Tuy nhiên, thời tiết giá rét những ngày qua cũng khiến công tác vệ sinh kênh mương của lực lượng công nhân nạo vét trở nên vất vả hơn. Hơn nữa, rác trên sông Hồng đổ về các bể hút nhiều nên công nhân phải liên tục trục vớt.
“Các ca, kíp trực phải thay phiên nhau làm việc không kể ngày đêm, có hôm 11, 12 giờ đêm vẫn lọ mọ vớt rác vì lượng rác dồn về nhiều, nếu không vớt sẽ rất khó cho máy bơm vận hành” – chị Thanh bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Tình, Trạm trưởng trạm bơm Đại Định (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: Lưu lượng nước xả tăng cường của các hồ thủy điện cho đợt bơm thứ nhất hiện đã đảm bảo giúp mực cốt nước đang ở mức 4,3 – 4,5m.
Vì vậy, trạm đã tranh thủ tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường, bảo đảm đủ nước gieo cấy hết diện tích lúa xuân trong khung thời vụ. Hiện, 3 máy hút sâu của trạm đang hoạt động liên tục 24/24 với công suất 30.000m3/h.
Mực nước cốt tại trạm bơm Đại Định (Vĩnh Phúc) đang ở mức từ 4,3-4,5m. Ảnh: Trung Quân
Tuy nhiên, công tác bơm nước đổ ải cũng gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là vấn đề lòng sông Hồng ngày càng bị hạ thấp do quá trình khai thác cát, nên nhiều trạm máy bơm cũ không thể bơm nước được.
Khó khăn khác, theo ông Tình đó là hiện nay trên địa bàn tỉnh, hệ thống thủy nông đã bàn giao lại cho các địa phương nên các công ty quản lí, vận hành công trình thủy lợi chỉ cung cấp nước đến đầu kênh cấp 3. Việc dẫn nước về tới mặt ruộng do thủy nông địa phương đảm nhiệm. Do vậy, việc thống nhất trong cách vận hành, cũng như mạch liên lạc thông tin về lịch lấy nước đôi lúc bị gián đoạn.
Ông Kim Ngọc Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) cho rằng: Vĩnh Phúc sẽ không gặp nhiều khó khăn trong cả 3 đợt lấy nước cho vụ đông xuân 2020-2021, do lượng nước xả của các đập thủy điện ở mức đảm bảo.
Bên cạnh đó, mặc dù mực nước trên các sông giảm so với mọi năm. Nhưng vẫn nằm trong phạm vi cho phép của các trạm thủy nông hút sâu, nên không ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước của các máy bơm.
Ông Tiến cũng cho biết, tình trạng khai thác cát diễn ra nhiều, khiến đáy các con sông ngày càng hạ sâu, trong khi các đập thủy điện ngăn nước thượng nguồn nên lượng phù sa bồi lắng không đáp ứng kịp, dẫn tới mực nước ngày càng giảm sâu.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong 5 năm tới, các trạm bơm, kể cả trạm bơm hút sâu cũng sẽ gặp khó khăn trong việc lấy nước.
Nguồn: nongnghiep.vn