Ngày 26/12, Tổng cục Thủy lợi tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Thủy lợi. Ảnh: Minh Phúc.
Đảm bảo an ninh nguồn nước
Theo ông Lương Văn Anh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, một trong những kết quả nổi bật nhất ngành thủy lợi đạt được trong năm 2020 là đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập.
Tổng cục Thủy lợi đã tham mưu để xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Quốc hội đã ban hành dự thảo Nghị quyết, trong đó giao Chính phủ xây dựng đề án đảm bảo an ninh nguồn nước và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021, đồng thời cho phép bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thưc hiện một số nội dung trọng tâm trong giai đoạn đầu của đề án; nâng cao tỷ lệ cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã chỉ đạo công tác vận hành công trình thủy lợi phục vụ hiệu quả sản xuất dân sinh.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, từ cuối năm 2019, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng nhất trong lịch sử với thời gian xuất hiện sớm, kéo dài. Tổng cục đã chủ động phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi tổ chức theo dõi tình hình nguồn nước, dự báo sớm diễn biến xâm nhập mặn, kịp thời tham mư cho Bộ, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp né mặn.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Thủy lợi diễn ra vào chiều 26/12. Ảnh: Minh Phúc.
Nhờ vậy, tổng thiệt hại đối với lúa là 58.400ha, chỉ bằng 14,4% so với năm 2015 - 2016 và được ghi nhận là vụ lúa được mùa được giá.
Kỳ tích lấy nước vụ đông xuân
Với khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, để bảo đảm nước phục vụ gieo cấy trong vụ đông xuân 2019-2020 trong bối cảnh dung tích trữ các hồ chứa thủy điện chỉ ở mức bằng 50% cùng kỳ nhiều năm, ngành thủy lợi đã chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước linh hoạt, tận dụng tốt điều kiện thuận lợi có mưa nên đã rút ngắn thời gian lấy nước theo kế hoạch 6 ngày.
Nhờ đó, tổng lượng nước điều tiết xả 3 đợt đạt 2,68 tỷ m3, thấp hơn 1,74 tỷ m3 so với năm 2019. Đây là kỳ lấy nước có tổng lượng nước xả thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các công trình vào sử dụng, đến hết năm 2020, diện tích đảm bảo nước gieo cấy lúa là 7,1 triệu ha so với diện tích gieo trồng 7,425 triệu ha.
Các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Thủy lợi trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh nguồn nước. Ảnh: Minh Phúc.
Trước tình hình mưa, lũ lớn gây ngập lụt trên phạm vi rộng ở miền Trung, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa nước, Tổng cục Thủy lợi đã chủ động xây dựng các kịch bản, cử đoàn công tác trực tiếp vào hiện trường hỗ trợ các địa phương vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn công trình và giảm lũ cho vùng hạ du như: hồ Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ… góp phần giảm ngập úng cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa đang thi công và các hồ chứa hư hỏng xuống cấp vẫn đảm bảo an toàn.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, 2020 là năm mà Tổng cục Thủy lợi "chạy khắp cả nước" để chỉ đạo công tác thủy lợi, vì tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường. Ba kết quả nổi bật trong hoạt động của ngành thủy lợi năm nay, đó là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và Quốc hội để đưa ra được quan điểm xuyên suốt về an ninh nguồn nước.
Bên cạnh đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất và vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt diễn biến dị thường. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Tổng cục cần đánh giá lại tổng thể một cách thực chất hồ chứa thủy lợi hiên nay. Một là khảo sát dung tích thiết kế hồ chứa để vừa xác định quy mô kho nước, vừa khẳng định lại chức năng, nhiệm vụ của công trình. Muốn làm được điều đó, cần khảo sát lại diện tích và đối tượng phục vụ của hồ. Ngoài ra, cần đánh giá tổng thể hệ thống thủy lợi hiện nay, nhất là các hệ thống liên tỉnh. Công trình nào có vấn đề, bất cập thì phải giao nhiệm vụ cụ thể để khắc phục. Công trình thủy lợi phải phục vụ đa mục tiêu, phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Thứ ba, cần đánh giá tổng thể hệ thống cấp nước nông thôn. Phải tìm ra nguyên nhân tại sao tỷ lệ công trình không hiệu quả ở mức cao? Từ đó tham mưu cho Trung ương, Bộ NN-PTNT để đầu tư các dự án hiệu quả hơn; "Thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ triển khai dự án; lập quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai và hướng tới lập quy hoạch an ninh nguồn nước...", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh. |