Hà Nội - Vụ lúa xuân năm 2020-2021: Nỗ lực bảo đảm đủ nước gieo cấy

2020.11.25 - 1373 lượt xem

Nhiều trạm bơm hư hỏng, tuyến kênh mương bị bồi lắng, nguồn nước có khả năng thiếu hụt... là những thách thức đặt ra đối với sản xuất vụ lúa xuân năm 2020-2021. Để có mùa vàng bội thu, ngay từ lúc này các cấp, ngành và nông dân Thủ đô đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để bảo đảm đủ nước gieo cấy, trong đó nhiệm vụ trước mắt là ưu tiên cải tạo, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng.

Nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp

Chỉ còn 2 tháng nữa là chính thức bước vào vụ lúa xuân 2021. Tuy nhiên, quan sát trên các tuyến kênh mương, cống lấy nước thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức, như Đống Gạch, Đằng Cửa (xã Đại Hưng), Gò Mái, Cầu Dậm (xã Hợp Tiến) và các cửa cống lấy nước Khoang Mồ, Đồng Hạ (xã Hồng Sơn), Tảo Khê, Đốc Kính (xã An Mỹ)..., phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy bùn đất, cỏ dại mọc kín lòng dẫn, miệng cống; nhiều đoạn bờ kênh bị sụt lún, sạt lở...

Tại các huyện khác trên địa bàn thành phố, nhiều công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng cũng đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng... Chẳng hạn, huyện Chương Mỹ có 95 cống và 40 tuyến kênh lấy nước, dẫn nước bị hư hỏng, bồi lắng cần sửa chữa, nạo vét; huyện Thanh Oai có 85 cống, 35 tuyến kênh cần duy tu... Bên cạnh đó, nhiều trạm bơm tưới, như: Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thụy Phú I (huyện Phú Xuyên), Đồng Tiến (huyện Ba Vì), Ông Minh (huyện Quốc Oai), Đồi Cao (huyện Thạch Thất)... cũng bị xuống cấp, hoạt động không đạt hiệu suất thiết kế...

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ chỉ đạt 10-30mm/tháng. Do vậy, nguồn nước trên lưu vực các sông Thao, Lô, Hồng thiếu hụt 20-60%...

Với thực trạng nêu trên thì nhiều công trình thủy lợi của Hà Nội tiếp tục gặp khó khăn trong việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2021. Dự báo, khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp của các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức... có nguy cơ bị thiếu nước làm đất, gieo cấy.

“Nguồn nước luôn là mối quan tâm lớn nhất của nông dân. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm đầu tư cải tạo, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng và duy trì việc làm này thường xuyên để cho nông dân có nước làm đất, gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất”, bà Phạm Thị Vân, xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) đề nghị.

Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng công trình đầu mối lấy nước sông Hồng (như các trạm bơm: Đan Hoài, Thụy Phú, Bá Giang, Phù Sa...) để cấp cho hệ thống thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, trong hệ thống thủy lợi còn nhiều công trình được xây dựng từ lâu, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, thiên tai... nên đang bị hư hỏng, xuống cấp.

Khắc phục khó khăn, sẵn sàng dẫn nước sản xuất vụ xuân

Để bảo đảm nguồn nước gieo cấy 84.699ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất (hoàn thành gieo cấy trước ngày 5-3-2021), UBND thành phố Hà Nội yêu cầu 4 doanh nghiệp thủy lợi và các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá, đề xuất nhu cầu kinh phí sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Trần Thanh Toàn cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, công ty đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi sau mùa mưa bão năm 2020 và xây dựng kế hoạch nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2020. "Để có kinh phí triển khai, công ty đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu với thành phố thanh toán kinh phí phục vụ vụ xuân 2019-2020, đồng thời đề xuất phương án đặt hàng dịch vụ thủy lợi trong các năm tiếp theo...", ông Trần Thanh Toàn kiến nghị.

Nhằm bảo đảm nguồn nước, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, huyện đã chỉ đạo 22 xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá hiện trạng, tổng hợp danh mục công trình thủy lợi nội đồng hư hỏng, xuống cấp, đề xuất kế hoạch nạo vét, sửa chữa, nâng cấp, xây mới theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, huyện sẽ bố trí kinh phí tạm ứng cho các xã, thị trấn nạo vét, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng...

Về phía cơ sở, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) Trần Đức Thắng cho biết, hợp tác xã chuẩn bị ra quân nạo vét 55 tuyến kênh, lắp đặt 10 cầu, cống dẫn nước lên mặt ruộng... Dự kiến trong tháng 12 tới, hợp tác xã sẽ hoàn thành việc sửa chữa công trình, sẵn sàng tiếp nguồn, dẫn nước phục vụ nông dân sản xuất vụ xuân 2021...

Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng kế hoạch xả khoảng 5,84 tỷ mét khối nước từ các hồ thủy điện bổ sung cho hạ du sông Hồng. Dự kiến, đầu năm 2021 sẽ có 3 đợt xả nước: Đợt 1 bắt đầu từ ngày 12-1 đến 15-1; đợt 2 bắt đầu từ ngày 26-1 đến 2-2 và đợt 3 bắt đầu từ ngày 22-2 đến 27-2.

Nguồn: Báo Hà Nội mới