Dự án WB8 tỉnh Phú Thọ: Hơn 200 tỷ đồng đảm bảo an toàn hồ đập

2020.10.09 - 1149 lượt xem

Sáng 8/10, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập và triển khai dự án WB8 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 365 công trình đập, hồ chứa thực hiện quan lý an toàn đập theo Nghị định 114 của Chính phủ. Trong đó 251 công trình đập, hồ chứa đã có tờ khai đăng ký an toàn đập (151 công trình của công ty, 100 công trình của các huyện thị); lập phương án bảo vệ cho 20 công trình; 9 đập, hồ chứa nước đã thực hiện kiểm định an toàn.

Theo ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Thọ, trong mùa mưa bão năm 2020, Sở NN-PTNT thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố phát sinh. Đồng thời yêu cầu không tích nước hoặc duy trì mực nước thấp để đảm bảo an toàn 10 công trình bị hư hỏng, sự cố; hướng dẫn xử lý những vị trí đập đất bị thấm, thường xuyên quan trắc lượng nước thấm từ mái đập và từ đống đá tiêu nước chân đập...

Tuy nhiên, số lượng đập, hồ chứa bị xuống cấp nhiều, cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn. Do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên nguồn vốn bố trí hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Các nội dung thực hiện để đảm bảo an toàn đập như lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn tập cho vùng hạ du đập; kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp... cần nguồn kinh phí lớn nên phải có lộ trình triển khai, chưa thể đáp ứng yêu cầu của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Tiểu dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tại tỉnh Phú Thọ thuộc dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (Dự án WB8, vay vốn Ngân hàng Thế giới) với tổng mức đầu tư 216,830 tỷ đồng sẽ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 14 hồ xung yếu đã và đang được triển khai, nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ, cho biết: Hồ Ban, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê có dung tích trữ thiết kế 1,3 triệu m3 nước, phục vụ chủ động cấp nước tưới cho 150ha đất canh tác. Tuy nhiên, hồ chứa này đã xảy ra tình trạng thấm thân đập và thấm nền; sập cống và hư hỏng tràn, gây nguy cơ mất an toàn.

Từ nguồn vốn đầu tư 25,1 tỷ đồng của dự án WB8, dự án đã đắp lại, nâng cấp 3 đập chính, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục còn lại và làm 1,6km đường quản lý và vận hành bằng bê tông. Nhờ đó, đảm bảo an toàn ổn định đập và phục hồi các chức năng thiết kế thông qua sửa chữa, nâng cấp.

Triển khai tiểu dự án giai đoạn 2, dự án WB8 tỉnh Phú Thọ tiếp tục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 13 hồ chứa nước trên địa bàn các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa với tổng vốn đầu tư 191 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế.

Ông Bình cũng cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là quy định về quản lý dự án đầu tư thay đổi, công tác chuẩn bị, thực hiện đầu tư phải thực hiện nhiều bước, mất nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, với các gói thầu sử dụng vốn vay, việc xin ý kiến Ngân hàng Thế giới đối với kế hoạch đấu thầu, điều khoản tham chiếu (gói thầu tư vấn) mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chung.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Trong những trường hợp bình thường, hồ chứa có tác dụng cung cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh rất hiệu quả. Nhưng vào mùa mưa lũ, nếu không vận hành hồ chứa hợp lý thì rất nguy hiểm.

Điển hình như sự cố hồ Đầm Thìn thời gian vừa qua xảy ra sự cố vào mùa khô. Do đó, trong cao điểm mùa mưa, công tác đảm bảo an toàn hồ chứa phải đặc biệt được quan tâm. Chúng ta không thể chủ quan được.

"Nếu các hồ dung tích chứa cao mà tích nhiều nước, nếu xảy ra sự cố thì có thể trở thành thảm họa. Đề nghị tỉnh Phú Thọ triển khai 16 nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn hồ đập, theo đúng quy định của pháp luật về thủy lợi", ông Tỉnh nói.

Ông Tỉnh cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ cần triển khai có hiệu quả các hoạt động của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước cấp tỉnh, nhất là xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng và báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai.

Trong Hội đồng cần có một đơn vị tư vấn để rà soát toàn bộ 230 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, sau đó phân loại mức độ ưu tiên để bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như Đầm Thìn trong thời gian qua.

Nguồn:nongnghiep.vn