2020.09.22 - 1185 lượt xem
Được tỉnh giao quản lý những công trình thủy lợi lớn, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định không ngừng nâng cao năng lực quản lý để khai thác công trình đạt hiệu quả cao nhất.
Không ngừng nâng cao năng lực
Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) Bình Định được UBND tỉnh giao quản lý 15 hồ chứa nước lớn, 22 đập dâng lớn trên 4 hệ thống sông: Lại Giang, Hà Thanh, La Tinh và sông Kôn; 1.500km kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 và hàng ngàn công trình trên kênh, với nhiệm vụ hàng năm cung cấp nước tưới cho khoảng 60.000ha cây trồng. Ngoài ra, công ty còn có nhiệm vụ phòng chống thiên tai, khắc phục bão lũ làm giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trọng trách lớn là vậy, nên Công ty TNHH KTCTTL Bình Định không ngừng nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, gắn trách nhiệm với trình độ chuyên môn để vận hành hiệu quả các công trình được giao, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo toàn tốt công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, từ yêu cầu của thực tế và thực hiện theo Thông tư 06 và Thông tư 40 của Bộ NN-PTNT, công ty liên tục tổ chức đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên để đáp ứng yêu cầu mỗi hồ chứa phải có 2 kỹ sư thủy lợi trực tiếp quản lý.
“Cách đây 2 năm, chúng tôi đã cho 40 cán bộ, nhân viên của công ty theo học lớp cao đẳng thủy lợi tại trường Cao đẳng Thủy lợi Hội An (Quảng Nam), lớp này sắp ra trường và tiếp tục liên thông lên bậc đại học tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cộng với lực lực lượng 50 kỹ sư thủy lợi công ty hiện có, đến khi lớp học nói trên tốt nghiệp đại học thì đội ngũ kỹ sư thủy lợi của công ty tăng đến gần 100 người, sẽ đáp ứng đủ theo yêu cầu của Thông tư 40 của Bộ NN-PTNT”, ông Phú cho hay.
Hiện nay, Bình Định đang thực hiện việc phân cấp quản lý hồ chứa theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, nên trong thời gian tới đây, UBND tỉnh này sẽ tiếp tục giao cho Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý thêm 50 hồ chứa lớn và vừa nữa. Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc công ty, đến lúc ấy đơn vị này sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho thế hệ tiếp theo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho những nhân viên đã kinh qua công việc thực tế để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Tánh, chia sẻ.
Chăm chút từng công trình
Đặc thù của nghề làm thủy lợi là phải bám sát công trình, phần lớn thời gian ở ngoài đồng, trên núi, bởi hầu hết công trình thủy lợi đều được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nhân lực của Công ty TNHH KTCTTL Bình Định có 300 người, trong đó có đến 260 người trực tiếp làm việc tại hiện trường. Do đó, để quản lý giờ giấc làm việc, khối lượng và chất lượng công việc của mỗi người, công ty đã mua 70 máy bấm vân tay bố trí cho các tổ sản xuất, mỗi ngày 4 lần, đầu và cuối mỗi buổi làm việc, tất cả công nhân phải bấm vân tay để chấm công.
Để quản lý khối lượng và chất lượng công việc, mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, giám đốc 7 xí nghiệp thủy lợi trực thuộc phải gửi về công ty bản phân công công tác cụ thể từng ngày cho từng cá nhân do xí nghiệp quản lý. Trong tuần, công ty sẽ cử cán bộ đi kiểm tra ngẫu nhiên, nếu cá nhân, đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định của cơ quan.
Còn về công tác quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho công trình, theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, đơn vị này luôn chăm chút đối với từng công trình, nhất là những công trình trọng điểm.
“Ví như đối với hồ Định Bình, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 12 thùng dầu thủy lực dùng để đóng mở ống xi lanh thủy lực để nâng hạ các cửa tràn. Để đảm bảo vận hành, hàng năm chúng tôi lấy dầu trong các thùng đưa đi Đà Nẵng kiểm tra, nếu chất lượng thùng dầu nào kém phải thay, để đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ. Nếu phải thay cùng lúc 12 thùng dầu chúng tôi phải chi ra đến 1,5 tỷ đồng, tiêu tốn nhưng phải làm. Hoặc như các đường ống dẫn, đưa dầu vào xi lanh thủy lực cũng phải được kiểm tra thường xuyên. Trước mùa bão lũ năm 2020, sau khi kiểm tra, đơn vị quản lý hồ Định Bình báo cáo là các đường ống dẫn dầu an toàn, nhưng chúng tôi quyết định vẫn mua dự trữ 12 bộ đường ống để phòng trong mùa bão lũ, khi đóng mở cửa tràn với áp lực lớn đường ống bị vỡ thì có để thay ngay nhằm bảo đảm vận hành cho công trình”, ông Phú nêu ví dụ.
Hiện Bộ NN-PTNT đã quy định các hồ chứa có tràn xả sâu phải có 2 hệ thống điện, 1 là hệ thống điện lưới quốc gia và máy phát điện dự phòng, phòng khi bão lũ làm hư hỏng hệ thống điện lưới quốc gia thì có ngay hệ thống điện dự phòng để vận hành công trình. Hiện nay các hồ chứa lớn ở Bình Định như: Định Bình, Núi Một, Hội Sơn, Thuận Ninh, Vạn Hội và đập dâng Lại Giang đã được bố trí song song 2 hệ thống điện.
“Đối với các công trình thủy lợi, nhất là những đập đất, 1 hư hỏng nhỏ nếu không được phát hiện, sửa chữa kịp thời thì nó sẽ trở thành hư hỏng lớn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa. Do đó, không chỉ đến trước mùa bão lũ chúng tôi mới kiểm tra, mà cả trong mùa nắng nóng công tác này vẫn được thực hiện thường xuyên. Hoặc như thiết bị vận hành các cửa tràn, hàng tuần chúng tôi phải vận hành thử, để nếu phát hiện có trục trặc là sửa chữa ngay để vào mùa mưa bão vận hành thông suốt”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định
Nguồn: nongnghiep.vn