Hà Nội: Gỡ khó trong quản lý công trình thủy lợi

2020.09.18 - 1283 lượt xem

Sau 4 năm thực hiện phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi tại Hà Nội, bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được cũng đã phát sinh không ít khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến công tác phục vụ tưới, tiêu phát triển nông nghiệp. Vì vậy, cần có những điều chỉnh để hoạt động này phù hợp với thực tiễn và hiệu quả hơn.

Phát sinh nhiều bất cập

Trước năm 2016, thành phố Hà Nội có 2 cấp quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, gồm: Cấp thành phố (đại diện là các doanh nghiệp thủy lợi) và cấp huyện (UBND cấp huyện giao cấp xã và các hợp tác xã trực tiếp quản lý, khai thác công trình). Quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập liên quan công tác quản lý, khai thác công trình, thu và sử dụng kinh phí dịch vụ thủy lợi... Do vậy, ngày 19-9-2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố (Quyết định số 41). Theo quyết định này chỉ còn một cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đó là cấp thành phố.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Quyết định số 41, các địa phương bàn giao toàn bộ công trình về doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý, khai thác. Trên thực tế, thành phố đã siết chặt hơn công tác quản lý tài chính, chấm dứt tình trạng nhiều đơn vị phục vụ trên cùng một diện tích. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện: Thường Tín, Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh... cho thấy, quá trình thực hiện Quyết định số 41 phát sinh nhiều bất cập.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Đình Đoàn cho biết, thực hiện Quyết định số 41, năm 2017, hợp tác xã đã bàn giao 3 trạm bơm, 6km kênh mương cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý. Thế nhưng, sau 3 năm bàn giao, đến nay, hợp tác xã vẫn chưa nhận được kinh phí đã đầu tư xây dựng công trình (ước khoảng 400 triệu đồng), gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho hay, theo Quyết định số 41, sau khi tiếp nhận, việc nạo vét, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy. Tuy nhiên, đơn vị trên chưa thực hiện hết trách nhiệm dẫn đến khó khăn cho công tác điều hành nguồn nước, ảnh hưởng thời vụ sản xuất...

Lý giải những bất cập trên, đại diện các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố cho biết, do số lượng công trình tiếp nhận quá lớn, trong khi nhiều công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho đơn vị trong quản lý, vận hành.

Liên quan đến việc chậm hoàn trả kinh phí, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, do nhiều công trình thủy lợi nội đồng trước đây thuộc các hợp tác xã quản lý, khai thác thiếu hồ sơ đầu tư, xây dựng... Hơn nữa, thành phố vẫn chưa hướng dẫn đơn vị nào chịu trách nhiệm thuê tư vấn định giá tài sản, dẫn đến thiếu căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí tiền để chi trả xã viên và các hợp tác xã số kinh phí đã đầu tư xây dựng.

Mở rộng đối tượng tham gia quản lý, khai thác

Từ những bất cập trong phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi kể trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến đề nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu với UBND thành phố hướng dẫn đơn vị liên quan thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá trị còn lại của các công trình thủy lợi để có cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền chi trả, hỗ trợ xã viên, các hợp tác xã số kinh phí đã đầu tư xây dựng công trình.

Còn lãnh đạo các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh... đề xuất, UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 41 theo hướng giao các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã) quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy mô nhỏ, thủy lợi nội đồng để các địa phương chủ động đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, phục vụ sản xuất.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND thành phố xem xét, điều chỉnh Quyết định số 41 theo hướng mở rộng đối tượng tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Cụ thể, UBND thành phố quản lý hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, liên huyện, liên xã (gồm các công trình đầu mối là những hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 500.000m3 trở lên, trạm bơm điện có tổng lưu lượng từ 3.600m3 trở lên...); UBND các quận, huyện, thị xã quản lý các công trình thủy lợi nội đồng; các hợp tác xã chịu trách nhiệm quản lý, khai thác công trình đầu tư bằng nguồn vốn huy động từ xã viên, ngoài ngân sách nhà nước...

“Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo và dự kiến trong tháng 9-2020, thành phố Hà Nội sẽ ban hành văn bản điều chỉnh Quyết định số 41...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

Nguồn: Báo Hà Nội mới