Giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi: Đừng vướng vòng luẩn quẩn sửa luật!

2020.09.09 - 1342 lượt xem

Luật Thủy lợi mới có hiệu lực, thực tế triển khai chưa gặp vướng mắc về cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi. Thế nhưng, lại có ý kiến đề xuất nên sửa.    

 

Trong quá trình góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội phương án chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Đề xuất trên của Chính phủ đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều giữa các đại biểu Quốc hội. Bởi nếu thực hiện theo phương án trên, chắc chắn sẽ phải sửa đổi một số Luật liên quan, trong đó có Luật Thủy lợi mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2018.

Nếu giao ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì ngành NN-PTNT không có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xả nước thải vào công trình thủy lợi; không thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Nhân lực mỏng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sao kham nổi?

Như vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường không thể có đủ lực lượng để thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi. Dẫn đến làm mất đi mục đích, ý nghĩa của việc cấp giấy phép là công cụ để cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động xả nước thải.

Lực lượng trên sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Việc phân công này tại Luật Thủy lợi là khoa học và phù hợp với thực tiễn.

 

Bởi vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thủy lợi là giao ngành NN-PTNT chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng nước trong công trình thủy lợi, thực hiện cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

 Hai luồng quan điểm trái chiều trong Quốc hội

 Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường
 
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 diễn ra mới đây, các đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) và Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đồng ý với phương án của Chính phủ là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Lý do là để góp phần giảm thủ tục hành chính; đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm quản lý cũng như tuân thủ các nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này. Đồng thời đảm bảo tiếp cận quản lý tổng hợp đối với môi trường...

 Giữ nguyên như tinh thần Luật Thủy lợi

Có 4 đại biểu phản đối đề xuất trên của Chính phủ và đề nghị dự thảo Luật Bảo vệ môi trường giữ nội dung này theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2018.

Ông Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng: “Tại Điều 13 của Luật Thủy lợi thì ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước trong công trình thủy lợi và người ký hợp đồng là đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Trong khi đó, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường chính quy định sửa điểm d khoản 1 Điều 44 mà không làm rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường nước trong công trình thủy lợi được quy định tại 13 điều của Luật Thủy lợi”.

Theo Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), trách nhiệm đối với quản lý chất lượng nước không phải chỉ của một bộ, mà kể cả chúng ta có tích hợp giấy phép môi trường vào thì khâu quản lý chất lượng và số lượng nước trong công trình thủy lợi ngành nông nghiệp vẫn phải quản lý.

Như vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào, khi mà cơ quan cấp phép môi trường mới có trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Vậy thì trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng cũng như là chất lượng phục vụ cho các hợp đồng dân sự thì ai quản?

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, vẫn phải có giấy phép xả thải vào các công trình thủy lợi. Bởi vì các công trình thủy lợi không chỉ gói gọn trong phạm vi của một tỉnh hay một địa phương.

Thứ hai, cũng không phải các công trình thủy lợi độc lập với nhau, mà công trình thủy lợi thường là đa chiều, vừa là công trình thủy điện, vừa là công trình thủy lợi, vừa dùng nước cho sản xuất, cho sinh hoạt và cho nhiều vấn đề khác.

Do vậy, nếu ô nhiễm môi trường các công trình thủy lợi này thì rất nguy hiểm vì phạm vi rất rộng và ảnh hưởng rất lớn đến hạ du và ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ lưu, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng rất lớn các công trình khác có tác động đến nguồn nước này.

 

Nguồn: nongnghiep.vn