2020.09.07 - 1255 lượt xem
Lũ nhỏ, vấn đề đặt ra là cần tích trữ nước ngọt ở hai vùng rốn lũ trước đây là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Hệ thống cống tuyến đê biển Tây sẽ đóng mở xen kẽ
Hiện nay, giữa tỉnh Kiên Giang và An Giang đã ký quy chế phối hợp quản lý nguồn nước vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo đó, giữa 2 bên sẽ xây dựng lịch xuống giống lúa xen kẽ nhau, tránh trường hợp nông dân 2 tỉnh đồng loạt lấy nước phục vụ sản xuất vào cùng thời điểm, gây áp lực lớn nguồn cung dẫn đến cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông nội đồng.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, sau thời gian đóng cống ngăn mặn trong những tháng cao điểm mùa khô, hiện hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây đang được vận hành đóng mở xen kẽ. Việc đóng mở cống vừa nhằm giảm ô nhiễm cục bộ vừa xả bớt lượng nước khi nước thượng nguồn đang bắt đầu đổ về nhiều.
Theo ông Trung, những năm gần đây đều lũ nhỏ và năm nay dự báo cũng là lũ nhỏ. Hệ thống cống được thiết kế với mục đích ngăn mặn, thoát lũ ra biển Tây trước đây, giờ chỉ làm nhiệm vụ điều tiết nước và ngăn mặn vào những tháng mùa khô. Việc vận hành đóng mở cống phải đảm bảo giữ được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, ngăn mặn không xâm nhập vào hệ thống sông, kênh mương nội đồng.
TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này, diện tích lúa thu đông của tỉnh đã xuống giống đạt trên 83 ngàn ha, vượt 11 ngàn ha so với kế hoạch.
Theo ông Nhựt, năm nay lũ nhỏ thuận lợi cho việc sản xuất vụ lúa thu đông, hơn nữa giá đang ở mức cao, lợi nhuận từ sản xuất lúa đạt khá tốt, chính vì vậy nông dân đã mạnh dạn đầu tư, xuống giống lúa. Một số huyện như Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp đã tăng diện tích xuống giống lúa thu đông. Hiện toàn tỉnh diện tích gieo sạ đã vượt khá xa so với kế hoạch ban đầu là 72 ngàn ha.
Là tỉnh có diện tích sản xuất cũng như sản lượng cao nhất ĐBSCL, diện tích xuống giống của tỉnh Kiên Giang hàng năm đều đạt trên 700 ngàn ha, sản lượng thu hoạch trên 4 triệu tấn (năm cao nhất đạt trên 4,5 triệu tấn).
Gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Tùy theo tình hình dự báo thời tiết, mưa lũ hàng năm, ngành nông nghiệp sẽ có điều chỉnh lịch thời vụ, diện tích xuống giống cho phù hợp.
Cụ thể, những năm lũ lớn thì chỉ sản xuất lúa thu đông ở những nơi có đê bao khép kín, đảm bảo ăn chắc. Còn những năm lũ nhỏ, giá lúa cao, sẽ chủ động mở rộng diện tích ở những khu đê bao lửng. Còn vụ đông xuân, bình thường bắt đầu xuống giống từ khoảng 15/11.
Tuy nhiên, với những năm lũ nhỏ sẽ đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn để né hạn, mặn vào cuối vụ. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống cho phù hợp”, TS Đỗ Minh Nhựt nêu quan điểm.
Tạm trữ nước ở vùng Đồng Tháp Mười
Để ứng xử hài hòa trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như thích nghi trong điều kiện không có lũ mà vẫn sản xuất nông nghiệp thắng lợi vẹn toàn, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã thực hiện chương trình sinh kế mùa lũ và tạm trữ nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhiều diện tích lúa thu đông ở Cần Thơ sắp được thu hoạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết: Những năm gần đây lũ không còn theo quy luật tự nhiên nữa mà phụ thuộc vào nguồn nước của thượng nguồn. Nếu năm nào lũ không lớn sẽ có hai mặt được và mất.
Phần được ở chỗ giúp thuận lợi sản xuất lúa thu đông an toàn, bởi không tác động của lũ về làm vỡ đê bao. Còn phần mất, lũ nhỏ không mang phù sa về bồi đắp đồng ruộng, nguồn thủy sản ít đi ngư dân vùng lũ mất thu nhập.
Vụ lúa thu đông năm 2020 toàn tỉnh xuống giống khoảng 220.000 ha, tăng 10.000 ha so với cùng kỳ năm rồi. Tính đến nay đã xuống giống được 100.000 ha, dự kiến đến cuối tháng 8/2020 sẽ dứt điểm xuống giống lúa thu đông. Đa phần diện tích lúa thu đông ở Đồng Tháp được khuyến cáo sản xuất trong đê bao khép kín an toàn.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, lũ năm nay không lớn như các năm trước, nhưng Đồng Tháp có kế hoạch thực hiện xả lũ trên 56.000 ha vào đồng ruộng lấy phù sa ở những huyện đầu nguồn.
Đồng Tháp đang cân bằng lại lịch thời vụ để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Một năm sản xuất 2 vụ lúa + một vụ màu, hoặc đẩy lịch thời vụ lúa đông xuân sớm hơn. Vụ hè thu giảm diện tích lúa mà tăng cường trồng hoa màu màu. Vụ thu đông sản xuất theo thuận thiên, đợi mưa mới xuống giống nhưng phải nằm trong đê bao.
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ có Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 chỉ đạo Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các công trình thủy lợi trước đây “ngăn mặn, giữ ngọt” điều chỉnh sang “kiểm soát mặn ngọt” và vấn đề quản lý nguồn nước liên tỉnh đã được đặt ra.
Nguồn: nongnghiep.vn