Hào hùng ngành Thủy lợi!

2020.09.01 - 1270 lượt xem

Nhờ đầu tư xứng tầm cho công tác thủy lợi, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

75 năm bảo vệ "mạch máu" của ngành nông nghiệp

Lúc sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Việt Nam ta có hai tiếng “Tổ Quốc”, ta cũng gọi Tổ Quốc là đất nước. Có đất và có nước thì mới thành đất nước. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Đất với Nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Việt Nam là một trong các quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với xu hướng lũ lụt và hạn hán gia tăng. Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là trị thủy để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Thủy lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Qua quá trình trưởng thành và phát triển, với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hệ thống thủy lợi đã từng bước phát triển. Thời kỳ Pháp thuộc, chúng ta mới chỉ có 13 hệ thống thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay, đất nước đã có một hệ thống hạ tầng thủy lợi ngày càng hoàn thiện.

Đến nay, có khoảng trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; tổng số công trình thủy lợi là 86.202 và 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Công trình hồ chứa nước Tả Trạch hoàn thành vào năm 2016, không chỉ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho sông Hương mà còn có tác dụng tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782 ha đất canh tác. Ảnh: TCTL.

Nhiều hệ thống thủy lợi được khai thác kết hợp với phát điện, giao thông thủy, bảo vệ môi trường. Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa (bị thiếu đói vào năm 1945) đến trở thành một trong nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.

“Đắp hồ xây đập, ta nuôi dòng nước ngọt”

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, cán bộ, người lao động ngành Thủy lợi đã có nhiều sáng kiến giúp Bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển thủy lợi trên cả nước, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phục vụ cho phát triển nông nghiệp.

Từ đầu những 60 của thế kỷ 20, ngành Thủy lợi đã khảo sát lập quy hoạch trị thủy và khai thác sông Hồng. Trên cơ sở đó, hàng loạt công trình thủy lợi như: Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải, hệ thống 6 trạm bơm Nam Hà, hồ Núi Cốc, thủy điện Thác Bà... đã được xây dựng.

Đặc biệt, Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải trải rộng trên địa bàn 4 tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh được Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên. Bác Hồ đã về thăm và động viên.

 

Đập dâng Vân Phong (Bình Định), thiết kế ngưỡng tràn theo kiểu phím đàn piano.

Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc, một công trình thế kỷ. Đây cũng là biểu tượng cho sức mạnh toàn dân trong công tác trị thủy. Biến vùng đất “mười năm chín hạn”, năm nào cũng đói kém, nhân dân cực khổ nghèo nàn trở thành những cánh đồng vàng bội thu, đời sống nhân dân no ấm.

Cũng trong thời kỳ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, ngành Thủy lợi đã tiến hành nghiên cứu quy hoạch các lưu vực sông vùng miền Trung, đề xuất xây dựng các công trình như hồ sông Mực, kênh tiêu Vách Bắc, hồ Vực Tròn, hồ Tiên Lang... Những công trình nghiên cứu khoa học đã giúp khúc ruột miền Trung nghèo khó “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” vơi đi nỗi lo hiểm họa thiên tai lũ lụt, hạn hán. Nhiều vùng đất trước đây chỉ sản xuất một vụ đã có thể sản xuất hai vụ, ba vụ.

Bước chân đến vùng đất Tây Nguyên, những đề xuất của ngành Thủy lợi về xây dựng hệ thống mạng lưới tưới tiêu cho cây trồng cạn như cấp nước cho cây cà phê và cây công nghiệp giá trị kinh tế cao, đã mở ra một khung trời mới cho đồng bào các dân tộc nơi đây, thậm chí, rất nhiều những tỷ phú nông dân đã xuất hiện trên vùng đất đỏ bazan. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều của thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa lớn nhất nước ta, nhưng thách thức mà người dân nơi đây đang gặp phải, đó mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây thiệt hại năng suất. Ngay sau khi thống nhất đất nước, hàng trăm cán bộ, chuyên gia thủy lợi đã được điều động vào Đông Nam bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu thủy văn.

Từ đó, lập hàng loạt quy hoạch về phòng, chống lũ; kiểm soát mặn, giữ ngọt. Nhiều công trình thủy lợi lớn được xây dựng đồng bộ với hệ thống đóng mở cửa cống tự động, phù hợp với điều kiện bán nhật triều như hệ thống cống đập Ba Lai tỉnh Bến Tre, cống Láng Thé, cống Cái Hót thuộc tiểu dự án Nam Măng Thít, hệ thống cống, kênh chuyển nước Hồng Ngự, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, kênh Ô Môn, Quản Lộ - Phụng Hiệp...

Những đề xuất xây dựng công trình thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định 99/TTg về đầu tư xây dựng thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với cuộc cách mạng về giống, quy trình sản xuất và các biện pháp thủy lợi phòng, chống lũ hợp lý, dẫn nước, thau chua, rửa mặn.

Vì vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước giải phóng chỉ sản xuất một vụ, đến nay một số vùng sản xuất 3 vụ, năng suất cao. Đây cũng là vựa cây ăn trái lớn nhất Việt Nam, với nhiều cây trồng giá trị cao phục vụ xuất khẩu.

Trước đây, người Pháp và người Mỹ không thể tưởng tượng được rằng vùng Tứ Giác Long Xuyên thường xuyên úng ngập từ tháng bảy đến tháng mười hai lại có thể sản xuất lúa 3 vụ như hôm nay. Các công trình thủy lợi đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long tăng diện tích gieo cấy lúa từ 3,2 triệu ha năm 1995 lên trên 3,8 triệu ha năm 2005 và đạt gần 4,2 triệu ha vào năm 2017.

 Thủy lợi không ngừng hiện đại hóa

Thời kỳ gần đây, Tổng cục Thủy lợi cùng các viện nghiên cứu chuyên ngành đã tham mưu cho Bộ xây dựng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam; Quy hoạch thủy lợi các vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các vùng kinh tế; Các quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều…

Nhiều công trình lớn như hồ Sơn La, hồ Tuyên Quang, hồ Cửa Đạt, hồ Bản Vẽ, hồ Tả Trạch… đã hoàn thành và đi vào vận hành hiệu quả.

Cùng với đó, nhiều công trình thủy lợi có quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ODA, như: hồ chứa nước Bản Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Rào Đá, Đá Hàn, Thác Chuối, Định Bình, Vân Phong, Nước Trong, Tân Mỹ, Bản Lải; hệ thống thủy lợi Phan Rí - Phan Thiết, Phước Hòa, Easup Thượng, Bắc Bến Tre, Cái Lớn – Cái Bé… đã từng bước góp phần phục vụ hiệu quả sản xuất, dân sinh, góp phần thay đổi nhiều vùng đất, từ khô cằn, thường xuyên bị ngập lũ, lụt, chua, phèn, nhiễm mặn trở thành những vùng đất trù phú, thuận lợi cho sản xuất, dân sinh.

Trước tình hình mới, mục tiêu đặt ra của công tác thủy lợi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại và linh hoạt

Nguồn: http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/