Tỉnh Hoà Bình: Quản lý an toàn hồ, đập, phục vụ sản xuất và đời sống

2020.08.10 - 1101 lượt xem

Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại đang hoạt động, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (đập có chiều cao từ 5 m trở lên, hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 50.000 m3 trở lên); 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập, có 49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ, đập loại nhỏ.

Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tổng vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thủy lợi từ năm 2016 - 2030 là 9.692 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 là 4.600 tỷ đồng, trong đó, cấp nước tưới cho nông nghiệp 4.538 tỷ đồng, gồm cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình và cải tạo thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương; công trình tiêu úng 62 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2030 là 5.092 tỷ đồng, gồm cấp nước tưới cho nông nghiệp 4.902 tỷ đồng, công trình tiêu úng 190 tỷ đồng.

Theo đó, trong 192 hồ chứa có hư hỏng, xuống cấp, cần phải có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới là 98 hồ, trong đó, 10 hồ chứa được đưa vào Dự án WB7; 40 hồ chứa đã đưa vào Dự án WB8; còn 48 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp, với tổng kinh phí dự kiến 301.600 triệu đồng.

Hiện, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình quản lý 207 hồ chứa lớn và vừa. Số hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Thực tế cho thấy, năng lực quản lý khai thác công trình đối với địa phương còn bất cập. Tham mưu quản lý Nhà nước ở cấp huyện là phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế thành phố, cán bộ có chuyên môn ngành thủy lợi còn thiếu. Quản lý trực tiếp là UBND các xã, thị trấn có công trình thủy lợi, thành phần tham gia quản lý, khai thác là các tổ chức, cá nhân (trưởng xóm), các tổ chức này đều chưa hợp pháp về tư cách và chưa đủ năng lực quản lý công trình theo quy định. Để dần khắc phục vấn đề này, tỉnh đang triển khai kiện toàn và thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Nguồn: baohoabinh.com.vn