Tìm giải pháp an ninh nguồn nước cho vùng khô hạn ở Khánh Hòa

2020.07.14 - 1137 lượt xem

Chiều 14/7, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã thị sát vùng khô hạn ở tỉnh Khánh Hòa để tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan vườn xoài nhà ông Phạm Ngọc Đức, ở thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Đoàn đã đến tham quan vùng xoài huyện Cam Lâm - “thủ phủ” trồng xoài tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do năm nay bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước tưới nên nhiều diện tích xoài bị khô héo, ảnh hưởng năng suất và chất lượng.

Như tại vườn xoài Úc nhà ông Phạm Ngọc Đức ở thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc có diện tích lên đến gần 2ha với khoảng 400 cây, vụ này chỉ cho sản lượng hơn 10 tấn. Trong khi đó, những năm trước trời “mưa thuận gió hòa”, diện tích trên cho sản lượng lên đến từ 25 - 30 tấn.

“Ở đây, nguồn nước tưới xoài chủ yếu khai thác nguồn nước giếng. Nhưng từ tháng 2 trở đi vùng này các giếng nước bắt đầu cạn kiệt, trong khi vụ xoài đến tháng 4 mới thu hoạch. Do xoài thiếu nước tưới nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, bán giá mức thấp”, ông Đức nói và cho biết, bà con nơi đây rất quan tâm đến nguồn nước tưới cho cây xoài và nếu có nước năng suất và chất lượng quả xoài sẽ nâng lên.

Về vấn đề trên, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết toàn huyện Cam Lâm có diện tích xoài lên đến khoảng 5.500ha nhưng hầu hết nguồn nước tưới chủ yếu khai thác từ giếng khoan, chưa có mạng lưới phục vụ tưới.

 

Bộ trưởng thị sát tại hồ chứa nước Cam Ranh, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Hồ chứa nước Cam Ranh thuộc xã Cam Tân (Cam Lâm) là 1 trong 5 hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, có dung tích hơn 22 triệu m3 và cao trình khoảng 30m, phục vụ nước tưới cho hơn 20.000ha sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho hơn 70.000 dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng hạn hán nên hiện hồ này đã cạn kiệt dưới mực nước chết.

Sau khi thị sát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Khánh Hòa có tiềm năng phát triển kinh tế khá dồi dào, đặc biệt về tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch. Những sản phẩm mang tính đặc thù như cây ăn quả, cây rau và lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc cũng rất có tiềm năng.

Tuy nhiên, một trong những “nút thắt” ở Khánh Hòa nói riêng và một số tỉnh Nam Trung bộ nói chung là thiếu nguồn nước. Do đó, để giải quyết vấn này, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tập trung xây dựng hạ tầng bao gồm hồ chứa, đập và các công trình khác.

“Vừa qua trong đầu tư trung hạn chúng ta đã giải quyết được một số công trình. Tuy nhiên so với yêu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt nói chung thì hiện nay vẫn còn bất cập.

Tới đây, thông qua các đoàn khảo sát, chúng tôi sẽ kết hợp cùng địa phương để xây dựng các công trình riêng, đặc biệt các hồ chứa lớn.

Đồng thời đánh giá, xây dựng quy trình liên hồ chứa của cả vùng, không chỉ Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận mà cho tất cả khu vực xung quanh, để làm sao việc sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, khoa học và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng lưu ý, việc tổ chức sản xuất nói riêng và đời sống nói chung cần cố gắng ứng dụng những công nghệ cao để tiết kiệm nước.

Nguồn: nongnghiep.vn