2020.06.25 - 1465 lượt xem
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện trên địa bàn có khoảng 150 hồ thủy lợi nhưng trong đó có đến 56 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế.
Công trình hồ thủy lợi Cửa Nghè, xã Hà Trạch, huyện Bố Trạch được xây dựng từ những năm 1977, cùng với hồ Vực Tranh, công trình phục vụ tưới tiêu cho khoảng 600 ha lúa. Năm 1985, hồ thủy lợi Cửa Nghè bị vỡ, sau đó được tu sửa nhưng do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa chưa được triệt để.
Mặc dù công trình có dung tích chứa 1,2 triệu m3 nước nhưng hiện công trình này vẫn không có tràn sự cố; tràn xả lũ chỉ rộng 10 m trong khi theo yêu cầu kỹ thuật tràn xả lũ phải rộng 20m. Phần đập chưa được gia cố, chưa có tường chắn sóng, cống và tháp lấy nước chưa được gia cố khiến cho mức độ an toàn của công trình luôn bị đe dọa nhất là khi mùa mưa lũ đến.
Ông Nguyễn An Tư, Phó Giám đốc Công ty Hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, hiện đơn vị quản lý 17 hồ chứa, 3 đập dâng và 10 hệ thống máy bơm... phục vụ tưới tiêu cho trên 30.000 ha. Nhưng, trong những năm qua, do không có nguồn kinh phí nâng cấp sửa chữa nên nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tích nước, mất an toàn khi mùa mưa đến. Hiện một số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng như hồ Cửa Nghè, hồ Trung Thuần... rất cần được sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo thống kê của Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện trên địa bàn có khoảng 150 hồ thủy lợi; trong đó có đến 56 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế. Riêng hạng mục tràn xả lũ có đến 39 tràn xả lũ xuống cấp, trong đó 22 cái bị nứt (12 cái hư hỏng nặng gồm: hồ Văn Minh, Đông Xuân, Troóc Vực, Đồng Suôn, Khe Su, Khe Tắt, Bàu Sen, Bàu Tràm, Bàu Ôốc, Khe Nậy, Khe Mái, Phú Hội), 13 cái bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng và 4 cái thiếu khả năng xả lũ. Thực trạng là thế nhưng do thiếu hụt về vốn nên các công trình trên vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.
Công nhân Công ty hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình vận hành công trình hồ thủy lợi Trung Thuần, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Ông Trần Xuân Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, phần lớn các công trình trên địa bàn được xây dựng từ cách đây 20-30 năm, nhiều công trình đã xuống cấp nhưng nguồn thủy lợi phí và ngân sách của tỉnh hạn chế nên công tác sửa chữa nâng cấp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến an toàn hồ đập cũng như khả năng tích nước phục vụ tưới tiêu. Để đảm bảo an toàn hồ đập Chi cục đã yêu cầu các đơn vị vận hành thường xuyên kiểm tra an toàn các công trình, có phương án sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trong khả năng cho phép.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay, phần lớn số lượng hồ đập trên địa bàn tỉnh đã xây dựng từ lâu, không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, đa số các công trình đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ, do các xã, hợp tác xã quản lý nguồn thu thủy lợi phí từ các công trình này không đáng kể trong khi theo quy định tất cả các hồ đều phải thực hiện quản lý an toàn đập gồm những công tác đòi hỏi chi phí lớn như kiểm định, cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, lập quy trình vận hành. Vì vậy, gây nhiều khó khăn cho các chủ đập và cơ quan quản lý về giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc quản lý, vận hành các công trình trên địa bàn.
Nguồn: baotintuc.vn