2020.05.16 - 1265 lượt xem
UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các công ty thủy lợi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch thi hành Luật Thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 1322/SNN-TL, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp; việc tổ chức xử lý giải tỏa vi phạm chưa được quan tâm thực hiện. Để thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi và nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội, Sở NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi; các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được cấp phép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quán triệt đến toàn thể người lao động về các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thuỷ lợi trong việc bảo vệ, phòng chống vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho người lao động phụ trách địa bàn, công trình cụ thể để gắn trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm khi mới xảy ra, đồng thời kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục và thẩm quyền.
Các doanh nghiệp thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch từng bước giải tỏa các vi phạm cũ theo các quy định của pháp luật; không để phát sinh và tồn tại vi phạm mới. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải kiểm tra vụ việc, trực tiếp làm việc với chính quyền cơ sở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Ngăn chặn kịp thời các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép...
Về việc trên, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các công ty thủy lợi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch thi hành Luật Thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện giải tỏa vi phạm, đặc biệt các vụ vi phạm ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công trình thủy lợi, lấn chiếm phạm vi bảo vệ các hồ chứa..., từng bước giải tỏa dân các vi phạm tồn tại cũ. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình trạng vi phạm diễn ra trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa theo quy định…