2020.05.16 - 1310 lượt xem
Tỉnh Thanh Hóa có cả 3 vùng địa lý đặc thù gồm trung du, đồng bằng, miền núi. Đáng nói, địa hình của tỉnh lại bị chia cắt nên thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Hơn nữa, tình hình khí hậu trong những năm gần đây có nhiều biến đổi phức tạp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, cần có những công trình để thích ứng. Nếu được tính toán kỹ lưỡng và hài hòa trong phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, nâng cao năng lực tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Với những ý nghĩa to lớn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Phương án “Quy hoạch phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045”. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng được tích hợp vào “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm hoạch định sự phát triển chung của tỉnh theo hướng bền vững.
Quy hoạch được tính toán trên cơ sở phân tích hiện trạng hệ thống thủy lợi và công tác phòng chống thiên tai hiện nay. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.524 công trình thủy lợi đầu mối; trong đó có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm phục vụ tưới tiêu chủ động cho hơn 151,7 nghìn ha lúa và các cây trồng hàng năm - hiện chỉ đạt khoảng 72,5% so với diện tích có nhu cầu tưới. Ngoài những công trình mới đầu tư, còn nhiều công trình thủy lợi xây dựng đã lâu, không đồng bộ. Riêng khu vực miền núi có nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp, trình độ vận hành các công trình còn nhiều hạn chế. Trong 6 hệ thống tưới lớn của tỉnh, hiện có 3 hệ thống tưới tự chảy gồm hệ thống Bái Thượng, hệ thống Sông Mực và hệ thống Yên Mỹ. 3 hệ thống tưới lớn còn lại phụ thuộc vào bơm điện, gồm: Hệ thống trạm bơm Nam Sông Mã, hệ thống trạm bơm Hoằng Khánh và hệ thống trạm bơm Sa Loan. Bên cạnh đó, 15 hệ thống tiêu lớn và vừa của tỉnh hiện mới đáp ứng năng lực tiêu cho khoảng 24.000 ha. Trong phòng chống thiên tai, đối với các đê từ cấp III đến cấp I, cơ bản đã được đầu tư, tu bổ với cao trình đỉnh đê đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đê của sông Mã, sông Lèn và sông Lạch Trường hiện còn nhiều đoạn có cao trình thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Trên thực tế, không có năm nào mà Thanh Hóa không chịu ảnh hưởng của lũ lụt, bão, lốc xoáy, tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở đất... Thiệt hại do thiên tai thường gây ra hết sức nặng nề, không những về người, tài sản, môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ đó, quy hoạch cũng vạch ra nhiều mục tiêu cụ thể; trong đó, nâng cao năng lực tưới với tần suất bảo đảm 85% cho các loại cây trồng, ưu tiên trước hết cho cây lúa, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây công nghiệp tập trung, nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước. Đây cũng là yêu cầu trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp nước sạch dân sinh. Để thực hiện được các mục tiêu trên, quy hoạch cũng vạch kế hoạch xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình thủy lợi ở từng địa phương để phù hợp với những điều kiện đặc thù khác nhau. Khó khăn nhất trong tưới tiêu là huyện vùng biên Mường Lát bởi địa hình phức tạp, nên trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến sẽ được ưu tiên sửa chữa và nâng cấp 27 đập dâng, xây mới 11 công trình đập dâng khác. Trong vùng lưu vực sông Bưởi, huyện Thạch Thành dự kiến được sửa chữa, nâng cấp 19 hồ chứa, 2 đập dâng, 6 trạm bơm và xây mới 2 trạm bơm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Từ năm 2026 đến năm 2045, Thạch Thành tiếp tục được ưu tiên sửa chữa 5 trạm bơm, 18 hồ chứa và 2 đập dâng. Tại vùng tưới Bắc sông Mã, trạm bơm Hoằng Khánh sẽ được nâng cấp, đồng thời mở rộng kênh chính Hoằng Khánh, kênh N1 và nhiều hệ thống kênh khác để phục vụ tưới cho các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc; đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư, nhất là Khu Du lịch biển Hải Tiến. Tại huyện trọng điểm trồng trọt Yên Định, ngoài việc nâng cấp và sửa chữa các trạm bơm và đập dâng, dự kiến sẽ được ưu tiên xây mới một đập dâng ngăn sông Mã để mở rộng diện tích tưới cho các huyện phía hạ lưu. Tất cả các địa phương còn lại trong tỉnh đều được quy hoạch xây mới và sửa chữa thêm nhiều công trình thủy lợi.
Cùng với đó, hàng loạt phương án tiêu thoát nước đã được xây dựng cho khắp các vùng trong tỉnh. Vùng hạ du của sông Bưởi gồm các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc sẽ được tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống tiêu Hón Sâm - Hón Sành để tiêu úng cho các vùng trũng thấp, nhất là xã Thạch Đồng, Thạch Long. Vùng trũng nằm giữa sông Hoạt, sông Lèn và sông Báo Văn thuộc các huyện Nga Sơn và Hà Trung thường xuyên bị ngập lụt do bão lũ, cũng được vạch hướng khắc phục bằng cách xây dựng mới các trạm bơm tiêu tại xã Yên Dương, Hà Bình, Hà Bắc, Hà Hải (Hà Trung), nạo vét sông Hoạt (Nga Sơn), các kênh tiêu, nâng cấp hàng loạt cống thoát nước... Huyện Nông Cống - nơi ngàn đời chịu cảnh úng ngập vào mùa mưa bão hiện đã có Dự án Tiêu úng vùng III Nông Cống đang thi công giai đoạn 1. Những năm tới, giai đoạn 2 của dự án đã có kế hoạch triển khai, đem lại sự kỳ vọng và niềm vui lớn cho nhân dân vùng lũ nơi đây.
Về tổng thể, dự kiến sẽ có gần 2.400 công trình thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp và xây mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Nguồn kinh phí thực hiện của từng nhóm công trình cũng được quy hoạch vạch ra các giải pháp huy động từ nhiều nguồn, cho từng giai đoạn, ở từng địa phương khác nhau./.