2020.05.16 - 1249 lượt xem
Chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn, thời gian qua, tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại, kiên cố phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Long An tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện rất sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015 - 2016. Thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông Xuân 2019 - 2020 là trên 2.100 ha. Cùng với đó là trên 8.000 ha cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng...
Để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các địa phương, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, giúp chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn hàng chục nghìn ha đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, ngành đã chủ động lắp đặt kịp thời 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc tuyến quốc lộ 62 thuộc địa bàn các huyện Thủ Thừa và Thạnh Hóa.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thi công 2 cống rạch Bà Hai Màng và Ông Nhượng, đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch cắt ngang quốc lộc 62,... kịp thời ngăn xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông với diện tích 62.000 ha của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.
Các ngành chức năng cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Theo đó, tỉnh Long An đã cho lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối như Cống Bà Phổ, Vàm Kênh, Cây Gáo thuộc huyện Thủ Thừa để bơm tạo nguồn nước cho hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ.
Hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An bơm nước thô từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp, xả nước thô vào các đầu kênh để người dân bơm nước vào ruộng, góp phần cứu gần 1.000 ha lúa của huyện Tân Trụ và phía Nam huyện Thủ Thừa.
Đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa phương để nắm bắt thông tin về nguồn nước, ngoài ra đề nghị tỉnh Tiền Giang cho mở các cống như Rạch Gốc, Cầu Quán, Quản Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10.000 ha thanh long của huyện Châu Thành. Tỉnh Long An cũng đã xây dựng đường ống cấp nước, các danh mục đắp đập tạm ngăn mặn, sửa chữa cửa cống, xây dựng trạm bơm tăng cường nguồn nước ngọt cho hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ…
Tại huyện Cần Đước, để bảo đảm sản xuất hơn 16.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 9.000 ha lúa, khoảng 800 ha đất ngập mặn nuôi, trồng thủy sản ở các xã vùng hạ và trên 800 ha trồng rau màu, huyện đã đầu tư nhiều công trình quan trọng phục vụ sản xuất. Nhiều kênh, mương trên địa bàn được nạo vét, xây mới nhằm phục vụ sản xuất. Ngay từ năm 2019, từ nguồn vốn ngân sách hơn 9 tỉ đồng và huy động nguồn vốn từ Chương trình Về nguồn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao, cống đầu mối.
Kiên cố hóa kênh mương nội đồng để ứng phó với hạn mặn xâm nhập. (Ảnh: K.V)
Một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực như Trạm bơm xã Long Khê đáp ứng nguồn nước tưới cho gần 200 ha rau màu xã Long Khê, Long Trạch, tạo điều kiện cho nông dân trồng rau màu trong mùa khô và ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế; công trình nạo vét kênh, mương xã Tân Chánh phục vụ nuôi tôm; công trình đê bao sông Rạch Đào, xã Mỹ Lệ phục vụ vùng sản xuất lúa Nàng Thơm Chợ Đào; nạo vét kênh Xóm Bồ tăng lượng nước dự trữ phục vụ sản xuất. Đặc biệt, công trình thủy lợi cống Cầu Chùa được hoàn thành đầu năm 2019, đáp ứng việc điều tiết nước sản xuất của các xã: Tân Lân, Phước Đông và góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường thị trấn Cần Đước. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng 14 công trình điện hạ thế nhằm bảo đảm nguồn điện phục vụ chương trình nuôi tôm công nghiệp và sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Tại huyện Tân Trụ, việc hoàn thành và đưa vào hoạt động công trình Cống Năm A đã đáp ứng mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô; tiêu thoát nước cho khoảng 40 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; điều tiết và cấp nước cho khoảng 50 ha đất sản xuất, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản; cải tạo môi trường nước nuôi tôm cho khu vực; cùng với tuyến đê bao Nhựt Ninh ngăn lũ và chống triều cường, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh Long An, huyện Tân Thạnh đã đầu tư trên 3,7 tỉ đồng sửa chữa vận hành hệ thống cống thủy lợi tưới, tiêu, ngăn mặn, trữ nước phục vụ sản xuất cho khu vực. Công trình đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới cho 485 ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước cho 550 ha diện tích đất tự nhiên trong khu vực, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu giao thông và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Để tập trung xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2020, huyện Cần Đước phân bổ nguồn vốn trên 11 tỷ đồng thực hiện, nâng cấp các công trình thủy lợi, bê tông hóa hệ thống kênh, mương tưới tiêu nội đồng. Ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước cho hay, hiện nay, toàn huyện có 5 cống chính do tỉnh quản lý và 150 cống do huyện và xã quản lý…, cùng với hệ thống 310 kênh, rạch cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết thêm, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương này tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình nhằm bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý. Đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường, công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng các hồ trữ nước để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt,.../.