2020.05.16 - 1287 lượt xem
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình điều tiết nguồn nước cho hơn 380.000 ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Theo quyết định phê duyệt, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 54,54 ha (có 21,12 ha lòng kênh cũ). Với tổng mức đầu tư trên 3.309 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 2.144 tỷ đồng, thiết bị trên 223 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133 tỷ đồng.
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có 4 nhiệm vụ chính. Một là, kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản 346.241 ha.
Hai là, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô.
Ba là, góp phần cấp nước ngọt cho vùng sản xuất mặn - ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; tiêu thoát trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cuối cùng là kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cống sông Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông. Đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7km, mặt đê rộng 9m, phần xe chạy 7m.
Bộ TN&MT yêu cầu xây dựng, điều chỉnh chế độ vận hành (đóng/mở) cống để giảm tác động dòng chảy và môi trường, đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát tự động nhằm đánh giá kịp thời diễn biến môi trường, chất lượng nguồn nước; tổ chức quan trắc, giám sát tự động liên tục trong giai đoạn thi công và định kỳ trong giai đoạn vận hành về chất lượng nước.
Các thông số giám sát là DO, TSS, độ mặn, pH... tại những điểm đã xác định trong ĐTM (bắt buộc phải có ranh giới mặn - ngọt, mặn - lợ, ngọt-lợ) và giám sát đa dạng sinh học tương ứng (động vật đáy, động vật có tập tính di cư theo mùa) đặc biệt, chú ý trong thời gian đóng/mở cống.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng khiến viêc huy động nhân công bị hạn chế. Tuy nhiên, các đơn vị thi công luôn quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, công trình cống Cái Lớn đã trải qua 25% thời gian dự kiến nhưng khối lượng công việc đã thực hiện được 30%. Các mũi thi công được triển khai đồng loạt, hơn 700 cán bộ, công nhân, người lao động tại công trình này đang hoạt động hết công suất 3 ca liên tục để sớm đưa công trình vào hoạt động.
Dự án Cái Lớn, Cái Bé có vai trò hết sức quan trọng đối với địa phương nên nhận được sự đồng tình của các cấp, ngành và người dân trong vùng dự án.
Khi hoàn thành, dự án này cùng 16 đập ngăn mặn do địa phương sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau./.