2020.04.21 - 1126 lượt xem
Mùa mưa bão 2020 đang tới, trong khi cả nước vẫn còn 1.730 hồ chứa xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ và không ít địa phương vẫn chủ quan trong việc thực hiện các nội dung về an toàn đập, hồ chứa…
Nguy cơ sụt lún, vỡ kênh
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 9/4/2020, một đoạn kênh đầu nguồn hồ Yên Lập bị sụt lún đáy, vỡ mương dẫn nước, tiềm ẩn nguy cơ vỡ kênh chính, cơ quan quản lý đã tạm dừng cấp nước để sửa chữa trong thời gian 10 ngày.
Hồ Yên Lập là hồ chứa nước đa chức năng lớn nhất Quảng Ninh, với dung tích 127,5 triệu m3 nước, phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp cho 8.320ha đất ruộng, ao đầm, cung cấp nước ngọt cho 1.500ha nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với công suất 33,5 triệu m3/năm cho thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí và phía Tây TP Hạ Long.
Trung bình 1 tháng kênh hồ Yên Lập mở 2 đợt nước, mỗi đợt mở kéo dài từ 8-10 ngày với lưu lượng dòng chảy đạt 6-7m3/giây. Sản lượng nước cung cấp qua kênh chính Yên Lập bình quân từ 8-10 triệu m3/tháng.
Việc tạm dừng cấp nước trong thời gian khắc phục sự cố kênh chính Yên Lập sẽ không gây ảnh hưởng đến việc cấp nước tới TP Uông Bí và TP Hạ Long. Tuy nhiên, đối với 16.700 hộ tiêu dùng nước sạch trên địa bàn TX Quảng Yên, do các hồ chứa nước sạch đều có dung tích nhỏ khả năng điều tiết nguồn nước chỉ đáp ứng được từ 2-3 ngày, những ngày còn lại người dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 185 hồ với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102ha; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha, trong đó có 6 hồ không còn hoạt động do hư hỏng xuống cấp hoặc không còn nhu cầu sử dụng.
Hiện 124 hồ chưa có phương án ứng phó thiên tai; 179 hồ chưa có quy trình vận hành điều tiết theo quy định; 139 hồ chưa có hồ sơ kỹ thuật; chưa đăng ký an toàn đập... Từ năm 2017 đến nay Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng mới 5 hồ, sửa chữa nâng cấp 78 hồ, đập chứa thủy lợi. Địa phương cũng đang đẩy mạnh việc huy động nguồn xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.
Cả nước còn 1.730 hồ chứa xuống cấp
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có 6.755 đập, hồ chứa thủy lợi, phân bố tại 45/63 địa phương, gồm: 4 hồ quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, Ngàn Trươi), 864 hồ lớn, 1.511 hồ vừa, 3.957 hồ nhỏ. Đáng báo động là trong số này còn 1.730 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ.
Phần lớn hồ chứa bị xuống cấp tập trung trong nhóm hồ vừa và nhỏ, được xây dựng cách đây 30 - 50 năm trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí sửa chữa, tu bổ. Trong khi đó, nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp lại rất eo hẹp. Hiện mới chỉ xác định được nguồn vốn để sửa chữa 536 hồ, nâng cấp khả năng chống lũ cho 5 hồ (thuộc dự án WB8), còn 1.189 hồ chứa đang ở trong tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa.
Trong khi nhiều hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các địa phương vẫn chủ quan, lơ là. Việc thực hiện các nội dung về an toàn đập, hồ chứa chưa được quan tâm đúng mức. Như vấn đề lập quy trình vận hành đối với hồ chứa có tràn tự do tỷ lệ thực hiện của cả nước mới đạt 10%, việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du đập chỉ đạt 3%, cắm mốc phạm vi bảo vệ đập đạt 7%, kiểm định an toàn đập đạt 4%...
Dù phần lớn các hồ chứa nằm trong danh sách báo động là các hồ chứa nhỏ nhưng không thể chủ quan, xem nhẹ bởi nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Được biết, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 58 sự cố về đập, hồ chứa. Riêng năm 2017, do ảnh hưởng của liên tiếp những trận mưa lớn đã xảy ra sự cố vỡ, sạt lở nặng có nguy cơ vỡ ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ; năm 2018 đã xảy ra 12 sự cố về hồ, đập.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, trước tình hình như vậy, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với 536 hồ chứa đã xác định được nguồn vốn. Ðối với 1.189 hồ chứa còn lại, sớm hoàn thành việc sửa chữa bằng nguồn vốn hỗ trợ cấp bách sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho các địa phương khó khăn, vốn trung hạn của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn trung hạn của các địa phương./.