An Giang: Ưu tiên thủy lợi vùng cao

2020.04.10 - 1277 lượt xem

So các địa phương khác trong tỉnh An Giang, vùng Bảy Núi chịu ảnh hưởng khắc nghiệt nhất của hạn kiệt. Ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao vừa giải quyết nguồn nước sản xuất, vừa ổn định đời sống người dân, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer.

Tránh lãng phí đầu tư
 
Với hơn 97% dân số là người DTTS Khmer, xã Ô Lâm là địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer nhất của huyện Tri Tôn. Để góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất ruộng trên của nông dân Khmer, hơn 10 năm trước, trạm bơm Ô Lâm đã được tỉnh đầu tư xây dựng. Trạm bơm lấy nguồn nước qua hệ thống mương dẫn từ kênh Ninh Phước 1, phục vụ nước tưới cho hơn 70ha ruộng trên. Có nước, đồng bào DTTS Khmer chủ động canh tác lúa quanh năm, tăng thu nhập đáng kể.

Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, do chi phí vận hành trạm bơm điện khá lớn, trong khi nguồn thu không được bao nhiêu (chủ yếu phục vụ đồng bào DTTS Khmer với diện tích không đáng kể) nên sau vài năm sử dụng, trạm bơm Ô Lâm đã ngưng hoạt động. Hiện nay, hệ thống mương dẫn nước vào trạm bơm cạn đáy, phủ đầy lục bình. Trạm bơm sau thời gian ngừng vận hành đã xuống cấp, trong khi đất ruộng trên quay trở lại cảnh khô cằn giữa mùa nắng hạn.

Trong chuyến khảo sát tình hình hạn kiệt ở 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư và đoàn công tác tỉnh đã trực tiếp đến khảo sát trạm bơm Ô Lâm. Trước nguy cơ bỏ lãng phí công trình phục vụ thủy lợi vùng cao, đoàn công tác đã khảo sát tại vị trí dẫn nguồn nước từ kênh Ninh Phước 1 để tìm giải pháp phục hồi hoạt động trạm bơm này.

Ông Thư cho rằng, đoạn mương dẫn từ kênh Ninh Phước 1 vào trạm bơm Ô Lâm chỉ hơn 1km, có thể nghiên cứu xây dựng trạm bơm kết hợp hệ thống cống mở tại vị trí tiếp giáp kênh Ninh Phước 1. Trạm bơm này sẽ chủ động cấp nước cho trạm bơm vùng cao Ô Lâm, còn cống mở giúp các phương tiện thủy dễ dàng vào ra để vận chuyển vật tư, nông sản của nông dân.

Để thuận tiện trong vận hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị UBND huyện Tri Tôn bàn giao trạm bơm Ô Lâm cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang quản lý. Theo đó, trạm bơm không chỉ phục vụ cho hơn 70ha ruộng trên trước đây, mà có thể nghiên cứu hệ thống mương dẫn để phục vụ cho khoảng 250ha đất ở vị trí cao hơn cặp chân núi Cô Tô.

“Đối với đất vùng cao, không nên trồng lúa, bởi cây lúa sử dụng lượng nước khá lớn. Vùng này có thể định hướng trồng cây cao lương để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp” - ông Thư gợi ý.

Tính đến hiệu quả lâu dài

Trên thực tế, việc đầu tư những công trình thủy lợi vùng cao như: trạm bơm điện, hồ chứa nước cùng hệ thống thủy lợi sau hồ đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp hàng ngàn hộ Khmer vùng Bảy Núi chủ động được nguồn nước sản xuất, nâng cao đời sống.

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh cho biết, với 8 trạm bơm điện vùng cao (cấp I, II, III) và 3 hệ thống thủy lợi sau các hồ chứa nước, diện tích phục vụ sản xuất vùng cao ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên hiện đạt 4.344ha. Hiện nay, có 2 trạm bơm điện và 5 hệ thống thủy lợi sau hồ đang được đầu tư, sau khi hoàn thành, sẽ có thêm 1.578ha ruộng trên được phục vụ.

Cùng với đầu tư mạnh cho thủy lợi vùng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng Bảy Núi được chú trọng. Các địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng ít sử dụng nước, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: rau màu, cây mè, các loại cây họ đậu, gần đây nhất là tiềm năng cây cao lương.

Tại huyện Tịnh Biên, một vùng rất lớn đất ruộng trên đang được phục vụ bởi trạm bơm bọng Đình Nghĩa (xã An Phú) đã được huyện quy hoạch trồng cây cao lương theo hướng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Nhân chuyến khảo sát của đoàn công tác tỉnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận đã đề nghị đầu tư nạo vét thông luồng dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vào trạm bơm bọng Đình Nghĩa, đảm bảo nguồn nước thông suốt vận hành trạm bơm, phục vụ chuyển đổi sản xuất đất vùng cao (trồng nguyên liệu cây cao lương). Đề nghị này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đồng ý, giao các ngành liên quan phối hợp địa phương triển khai thực hiện.

Một công trình cũng quan trọng khác là Dự án nạo vét kênh Vĩnh Tế và khu vực bãi chứa đất của tuyến kênh dẫn dòng (khu vực xã An Phú, Tịnh Biên). Qua khảo sát thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị thay đổi thiết kế theo hướng mở rộng kênh dẫn dòng, tạo quỹ đất công ở giữa để xây dựng cụm dân cư hoặc kêu gọi đầu tư hệ thống logistics cho nông sản. Từ đó, tăng giá trị sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân trong vùng./.

Khu vực dự kiến triển khai Dự án nạo vét kênh Vĩnh tế và khu vực bãi chứa đất của tuyến kênh dẫn dòng (xã An Phú, Tịnh Biên)

 

Nguồn: baoangiang.com.vn