Nhiều công ty thủy lợi bị khủng hoảng tài chính

2020.04.08 - 961 lượt xem

Do thu không đủ chi, nhiều công ty thủy lợi không cân đối được chi phí lương và tiền điện dẫn đến tình trạng lỗ liên tiếp.

Lỗ liên tiếp

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến nay, rất nhiều đơn vị khai thác công trình thủy lợi vẫn chưa ký được hợp đồng để xác định nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác vì chưa có khung giá, nên không bù đắp được chi phí hoạt động, gây thất thoát nguồn thu.

Cũng theo Bộ Tài chính, nguồn kinh phí của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đang hạn chế. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Nguồn thu khác rất ít trong khi các khoản chi phí tăng lên. Mức hỗ trợ của nhà nước từ năm 2012 đến nay chưa điều chỉnh (theo mức quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ năm 2012).

Đến nay chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với mức tại thời điểm năm 2012 (lương tối thiểu từ 850.000 đồng tăng lên 1.490.000 đồng, điện từ 1.100 đồng/KWh tăng lên 2.000 đồng/KWh, chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm đều tăng từ 3% đến 4%). Bên cạnh đó, các khoản chi phí  về sửa chữa, nạo vét, nâng bờ bao công trình cấp thiết có nhu cầu tăng cao.

Tuy áp dụng cơ chế giá nhưng giai đoạn 2018 – 2020 không thay đổi về giá thủy lợi từ năm 2013 đến nay, không được tính đủ chi phí. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy áp dụng cơ chế giá nhưng giai đoạn 2018 – 2020 không thay đổi về giá thủy lợi từ năm 2013 đến nay, không được tính đủ chi phí. 

Với mức hỗ trợ hiện nay, nhiều đơn vị khai thác công trình thủy lợi phản ánh chưa đủ bù đắp chi phí tiền lương, tiền điện, không đủ kinh phí để bảo trì thường xuyên và định kỳ đối với công trình thủy lợi.

Nhiều công ty không cân đối được chi phí lương và tiền điện dẫn đến tình trạng lỗ liên tiếp (Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An mỗi năm lỗ khoảng 9 – 10 tỷ đồng; Công ty Thuỷ lợi Nam Nghệ An lỗ 8 tỷ đồng,...). Các công ty không có nguồn để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua khảo sát, các địa phương đều kiến nghị tăng mức hỗ trợ lên từ 1,2 đến 2 lần mức hiện nay mới đảm bảo hoạt động của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi.

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần nghiên cứu hỗ trợ giai đoạn tiếp theo (2021 – 2025) phải tính toán điều chỉnh tăng trên cơ sở mức tăng chi phí tiền lương, tiền điện, vật tư, chi phí quản lý so với giai đoạn trước đây.

Thực tế, Công ty  MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Hải Phòng) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính hàng năm. Thu không đủ bù đắp chi, doanh nghiệp không chủ động được việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm.

Cụ thể, kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình không được cấp đủ, trong khi số lượng công trình lớn được xây dựng và đi vào hoạt động 20 – 30 năm. Công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên chỉ dừng lại ở mức có đến đâu dùng đến đó, mang tính chắp vá tạm thời.

Công ty Đa Độ có cung cấp 2 lại hình sản phẩm dịch vụ thủy lợi gồm: cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch (sản lượng 24 triệu m3/năm) và tiêu thoát nước cho khu công nghiệp, dịch vụ (sản lượng 1.300ha/năm).

Công ty đã xây dựng phương án giá cho 2 loại hình dịch vụ này trình các cấp ban hành, nhưng hiện nay cả hai loại hình giá sản phẩm dịch vụ này chưa được ban hành giá. Trong năm 2019 giá nước thô tạm tính là 900 đồng/m3; giá tiêu thoát nước cho khu công nghiệp thì chưa có cơ sở để hợp đồng.

Cắt giảm quỹ lương, quỹ phúc lợi

Tuy áp dụng cơ chế giá nhưng giai đoạn 2018 – 2020 không thay đổi về giá thủy lợi từ năm 2013 đến nay, không được tính đủ chi phí.

Vì vậy, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên không đủ chi hoạt động so với yêu cầu phục vụ sản xuất. Các đơn vị làm nhiệm vụ giao kế hoạch không được hỗ trợ 2 tháng quỹ phúc lợi khen thưởng, đời sống cán bộ công nhân viên gặp khó khăn nhất định.

Những năm gần đây, do tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu cực đoan, chi phí phục vụ sản xuất ngày càng tăng cao, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên đã phải chi tiền điện vượt kế hoạch (lỗ điện). Cụ thể, năm 2017 chi  4,153 tỷ đồng tiền điện nhưng chỉ được hỗ trợ 2,1 tỷ đồng; năm 2018 chi 7,7 tỷ đồng tiền điện nhưng chỉ được chi 2,33 tỷ đồng.

Không những thế, theo định mức công tác sửa chữa thường xuyên, nếu tính đúng tính đủ thì phải khoảng 30 tỷ đồng/năm, nhưng do không có kinh phí nên chỉ đáp ứng được 50 – 70% lượng kinh phí trên.

Tại Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An, nguồn thu cấp bù miễn thủy lợi phí không đủ trang trải chi phí cho công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Để cân đối thu chi tài chính, nhiều khoản được chi theo chế độ quy định không có hoặc phải giảm. Ví dụ giảm quỹ tiền lương, quỹ phúc lợi xã hội, nhất là kinh phí sửa chữa công trình dẫn đến một số công trình xuống cấp.