Từ 28/3 đến 3/4/2018, các tỉnh ĐBSCL có thể lấy nước thuận lợi

2020.03.30 - 913 lượt xem

Dự báo, từ ngày 28/3 đến 3/4, xâm nhập mặn trên các sông tiếp tục giảm từ 4-5 km so với tuần hiện tại. Đây là thời gian xâm nhập mặn thấp nhất ở các cửa sông Cửu Long kể từ tháng 1/2020, có thể lấy nước ngọt tương đối thuận lợi.

Trong tuần qua, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn có xu hướng tăng nhẹ, sông Cửu Long giảm.

Dự báo, từ ngày 28/3 đến 3/4, xâm nhập mặn trên các sông tiếp tục giảm từ 4-5 km so với tuần hiện tại. Khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ Đông từ 85-90 km trở lên, Vàm Cỏ Tây từ 95-100 km, Cổ Chiên từ 35-40 km, Hậu từ 30-35 km, Cái Lớn từ 50-55 km; riêng các cửa sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập mặn vẫn ở mức tương đối cao. Đây là thời gian xâm nhập mặn thấp nhất ở các cửa sông Cửu Long kể từ tháng 1/2020, có thể lấy nước ngọt tương đối thuận lợi.

Hiện tại có khoảng 96.000 hộ dân vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ). Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ (giảm 54%) so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).

Trong khi đó, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, thiếu nước.

Tại Nam Trung Bộ, khoảng 1.886 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm: Tỉnh Quảng Nam có 500 ha lúa bị thiếu nước một số thời điểm do phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng phát điện của thủy điện thượng nguồn; tỉnh Phú Yên có 649 ha lúa đang được hỗ trợ bơm tưới; tỉnh Khánh Hòa có 150 ha đang phải sử dụng các giải pháp bơm tát chống hạn; tỉnh Ninh Thuận có 167 ha, chủ yếu là diện tích nằm ngoài hệ thống công trình thủy lợi; Bình Thuận có 420 ha lúa vùng sản xuất tự phát ngoài kế hoạch sản xuất của tỉnh Bình Thuận, nhân dân khai thác nước từ nguồn nước cấp cho cây thanh long để tưới lúa dẫn đến bị thiếu nước.

Vùng Tây Nguyên hiện tại có khoảng 7.633 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm lưu vực sông Sê San 722 ha diện tích nằm ngoài vùng công trình thủy lợi; lưu vực sông Ba có 777 ha trong đó diện tích nằm trong vùng công trình thủy lợi là khoảng 200 ha; lưu vực sông Srêpôk có khoảng 4.681 ha cây cà phê, lưu vực sông Đồng Nai khoảng 1.453 ha.

Khoảng 2.738 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Đắk Lắk 660 hộ, Lâm Đồng 570 hộ, Gia Lai 385 hộ, Kon Tum 1.123 hộ). Nguyên nhân do vào mùa khô, nguồn nước ngầm bị hạ thấp dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Thông tin chi tiết mời xem tại Bản tin tình hình thời tiết, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng ngày 27/3/2020 của TCTL./.

Nguồn: tongcucthuyloi.gov.vn