2020.03.23 - 884 lượt xem
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động trực tiếp đến tài nguyên nước tại Việt Nam. Nguồn nước đang có xu hướng giảm, cạn kiệt ở nhiều khu vực trên cả nước, gây ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của đất nước.
Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng từ 830 đến 840 tỷ m3. Hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỷ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của thế giới, trong khi môi trường nước các lưu vực sông đang đứng trước sức ép rất lớn bởi nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày một tăng. Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của Tổ chức Germanwatch, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, tác động của BĐKH đến mỗi vùng miền có các mức độ khác nhau. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài hoặc mưa tập trung với cường độ lớn, gây hạn hán và lũ lụt; đồng thời chịu tác động của nước biển dâng, bão lụt dẫn đến ngập mặn và sạt lở bờ biển. Nam Bộ là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn với mức nước biển dâng cao. Dự báo vào năm 2030, sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền nam cho thấy, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, năm 2016, nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô, nhưng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45 km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. BĐKH đã tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước của Việt Nam. Nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không có khả năng tự làm sạch. BĐKH không chỉ tác động đến vùng thấp, khu vực cửa sông, ven biển, mà còn ảnh hưởng các địa phương miền núi phía bắc với tình trạng hạn hán, sạt lở đất ngày càng tăng… Ngoài ra, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng dẫn đến nước thải tại nhiều nơi không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường cho dòng sông, suối, tầng chứa nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn nước.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tập trung đánh giá, tìm kiếm nguồn nước chống hạn cho vùng cao, vùng khan hiếm nước, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với BĐKH. Triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; thực hiện tốt việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm việc điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh các nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện. Ngành tài nguyên nước Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp, hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, bảo đảm nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm, giảm việc xả thải hóa chất vào nguồn nước; giảm tỷ lệ nước thải chưa được xử lý, tăng đáng kể việc tái chế và tái sử dụng nước an toàn; bảo đảm khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn.
Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước (núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ). Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…
Đối với các khu vực chịu tác động lớn do BĐKH như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về các hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và BĐKH, tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng liên quan đến ứng phó BĐKH, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng…
Ngày Nước thế giới (22-3) năm 2020 có chủ đề là “Nước và Biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức treo băng-rôn, pa-nô, áp-phích tại nơi công cộng, đường phố, trụ sở; tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình lĩnh vực tài nguyên nước, BĐKH nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động kinh tế - xã hội và dân sinh. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước; triển khai các giải pháp, sáng kiến có hiệu quả trong giảm tác hại do BĐKH gây ra… (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |