2020.03.22 - 1717 lượt xem
Nước là một phần quan trọng của cuộc sống. Những thay đổi về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sự ổn định về chính trị, xã hội trên thế giới. Ngày Nước Thế giới 2020 mang chủ đề: "Nước và Biến đổi khí hậu".
Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận.
Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.
“Nước và biến đổi khí hậu”
Việc bảo vệ và nâng cao nhận thức của người dân về an ninh nguồn nước là một mục tiêu vô cùng quan trọng, trong tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khó lường như hiện nay. Đó là lý do, Liên hợp quốc đã chính thức chọn chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu” cho Ngày Nước thế giới năm nay (22/3/2020), nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm.
Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung, từ đó, ảnh hưởng đến hàng loạt các ngành kinh tế xã hội như: Vận tải và năng lượng; Dầu khí và kinh tế biển; Sức khỏe cộng đồng; Thủy sản; Nông nghiệp…
Thông điệp Ngày Nước thế giới (22/3) để cộng đồng hướng đến: Cấp thiết phải đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai; Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học.
Các ngành sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu cuộc “đại hạn” lịch sử, gây nên đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 5 năm gần đây. (Nguồn: Thanh Niên) |
Nhọc nhằn nơi đồng bằng sông Cửu Long
Nhắc đến an ninh nguồn nước tại Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu cuộc “đại hạn” lịch sử, gây nên đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Dẫu được mệnh danh là vùng sông nước nhưng miền Tây Nam Bộ đang bị khô khát vì thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Từ đó, gây thiệt hại trong sản xuất, làm hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái chết khô, thiệt hại. Ước tính có đến 180.000 hộ dân thiếu nước ngọt, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.
Hiện tại, xâm nhập trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn biến phức tạp. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông 60km; trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn trung bình trên 2‰ ở hầu hết các huyện, thành phố.
Qua thống kê, Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng; tình hình nuôi thủy sản đang gặp khó khăn, có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập đến cầu Mỹ Thuận, làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tinh Tiền Giang hiện còn 2.270 ha lúa vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống sau lịch khuyến cáo thời vụ cũng trong tình trạng thiếu nước ngọt, nên khả năng bị thiệt hại là rất lớn.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Tính đến nay, 5 tỉnh trong vùng gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.
Nguyên nhân từ con người
Theo giới chuyên gia, kết quả nghiên cứu khoa học và từ thực tiễn đã nhận diện rõ nguyên nhân gây hạn mặn khốc liệt năm nay là El Nino, mưa ít, đầu nguồn sông Mekong thiếu nước trầm trọng. Cùng với đó, việc hệ thống các đập thủy điện trên thượng nguồn tích nước cũng như việc khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát đã làm cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long càng trầm trọng hơn.
Chuỗi các đập thủy điện đầu nguồn, dự án chuyển nước dòng chính Mekong đã tác động tiêu cực vùng hạ lưu. Mặc dù thủy điện tuy không làm mất đi lượng nước, nhưng để vận hành các đập phải tích nhiều nước trong lúc hạn và xả nước trong mùa lũ. Điều này đã làm thay đổi quy luật điều tiết nước tự nhiên của dòng Mekong theo hướng tiêu cực, khắc nghiệt.
Đặc biệt, thủy điện là “thủ phạm” làm giảm lượng phù sa, chặn lối di cư và sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản, làm suy giảm trầm trọng hơn chất lượng tài nguyên nước của sông Mekong.
Đồng bằng sông Cửu Long là cửa ngõ ra Biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ giữa sông Mekong và các vùng biển. Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mekong và tác hại của đê bao cục bộ trong vùng khiến các dòng sông thiếu nước trong mùa kiệt, đói phù sa. Sông cạn, nước mặn lấn sâu vào đất liền, cùng với các tác động tích lũy, liên hoàn do sụt lún, sạt lở…, song song với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thiếu nguồn nước sạch, con người không thể sống được, vạn vật xung quanh cũng không thể phát triển. Tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra khó lường trong suốt thời gian qua chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho cả thế giới. Đó là lý do vì sao Ngày Nước thế giới ra đời, để nhắc nhở chúng ta cần phải chung tay, tìm kiếm những biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm bảo vệ chính sự sống còn của mình.
Nguồn: baoquocte.vn