Khô hạn khốc liệt đe dọa hàng ngàn ha lúa và hoa màu ở Kon Tum

2020.03.20 - 1389 lượt xem

Không chỉ cây lúa và hoa màu bị khô hạn nặng, hàng nghìn hộ dân tại tỉnh Kon Tum cũng đang chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

     Ngày 17/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 135 ha đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lúa) bị khô hạn nặng. Trong đó, TP. Kon Tum có 6 ha, huyện Đăk Hà 13,47 ha, Ngọc Hồi 15 ha, Kon Rẫy 15,91 ha, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi 83,8 ha.
 

Hạn hán khiến cây lúa đang chiụ ảnh hưởng nặng nề nhất.

     Theo dự báo của ngành chức năng, nếu tình hình khô hạn vẫn kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến hơn 1.183 ha diện tích lúa và hoa màu. Trong đó, TP. Kon Tum 160,88 ha, Đăk Hà 217,93 ha, Đăk Tô 114,97 ha, Tu Mơ Rộng 17,65 ha, Ngọc Hồi 207,9 ha, Đăk Glei 62 ha, Sa Thầy 106 ha, Kon Rẫy 21 ha và Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh 274,8 ha.

     Hạn hán cũng ảnh hưởng nặng nề tới các công trình nước sinh hoạt. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 công trình nước sinh hoạt và 72 giếng nước bị khô hạn, làm ảnh hưởng 352 hộ dân. Ngoài ra, còn có 19 công trình nước sinh hoạt và 710 giếng nước có khả năng khô hạn với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng. 

     Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kon Tum cho biết, nếu đợt hạn hán năm nay kéo dài khoảng 1 tháng nữa sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn ha lúa và hoa màu của người dân. 

     “Trước mắt chúng tôi khuyến cáo cho các địa phương cần phải tập trung quản lý hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy để tận dụng nguồn nước một cách hiệu quả. Bên cạnh đó cần sự dụng công nghệ tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước” – ông Lực cho biết. 

     Hiện tại, Chi cục Thủy lợi Kon Tum cũng đã đặt nhiều trạm bơm tại những nơi có diện tích cây trồng bị hạn nặng để đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân. 

Trạm bơm dã chiến chống hạn cho cánh đống lúa tại xã Đoàn Kết.

      Mặt khác, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã lên kế hoạch triển khai phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020. 

     Theo đó, các huyện, thành phố đôn đốc các đơn vị bố trí cán bộ thường xuyên, kiểm tra đập đầu mối, hệ thống kênh mương để kịp thời tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy. Cùng với đó là việc khắc phục, sửa chữa các công trình để chống thất thoát nguồn nước, thông báo lịch điều tiết nguồn nước các công trình thuỷ lợi và tổ chức tưới luân phiên cho các loại cây trồng nhằm hạn chế hạn xảy ra. 

     UBND tỉnh Kon Tum cũng đã tuyên truyền, vận động người dân đắp bờ giữ nước ở chân ruộng, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, thực hiện theo lịch tưới của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã thông báo./.
 
Nguồn: nongnghiep.vn