Quản lý công trình nước sạch nông thôn còn nhiều tồn tại

2020.01.03 - 1921 lượt xem

Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang gửi xin ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Giao công trình tốt cho DN

Công trình cấp nước sạch tập trung tại nông thôn chủ yếu hình thành từ nguồn vốn NSNN kết hợp với sự đóng góp của người dân nông thôn để thực hiện đầu tư, xây dựng. Theo Bộ Tài chính, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung sau đầu tư, khái quát bởi 2 giai đoạn.

Giai đoạn trước 1/7/2013, nhóm tài sản công được Chính phủ ưu tiên đầu tư lớn (khoảng 55.000 tỷ đồng từ năm 2000 - 2012) nhưng pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản là công trình (sau đầu tư) hầu như không có.

Tại địa phương, chưa giao công trình cho đối tượng quản lý; chưa có sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, bảo trì, khai thác công trình; kết quả chỉ còn khoảng 60% số công trình hoạt động, còn lại bị hư hỏng hoặc không sử dụng được gây lãng phí rất lớn.

Giai đoạn từ 1/7/2013 đến nay, Bộ Tài chính đã quy định việc giao công trình cho đối tượng quản lý, gồm: đơn vị sự nghiệp công lập; DN; UBND cấp xã và có thay đổi nguyên tắc ưu tiên theo xu hướng xã hội hóa, thực hiện lựa chọn DN theo quy định của pháp luật đấu thầu với các tiêu chí lựa chọn về giá trị công trình, điều kiện thanh toán; phương thức vận hành công trình phù hợp với đối tượng được giao quản lý.

Trong thời điểm hiện tại, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn còn một số tồn tại nhất định. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chí giao công trình nên thường có tình trạng lựa chọn các công trình tốt, tập trung tại các khu đô thị, hoạt động hiệu quả để giao cho DN, còn các công trình không tốt và kém hiệu quả giao cho UBND cấp xã và trung tâm nước sạch là chưa đảm bảo khách quan, minh bạch.

Việc xác định giá trị công trình để giao theo nguyên tắc giá trị còn lại của nguyên giá ban đầu, không đánh giá lại giá trị thực tế nên giá trị công trình giao thường cao hơn giá trị thực tế sử dụng của công trình, cộng với việc chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước nên tổng giá trị công trình lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững mất nhiều năm. Vì vậy, việc giao công trình cho DN được đánh giá là hiệu quả, nhưng còn hạn chế tại nhiều địa phương.

Về cơ chế cấp bù giá nước sạch, NSNN cấp bù trong trường hợp giá thành nước sạch cao hơn giá bán nước do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào khả năng ngân sách của địa phương, trong khi thực tế hầu như không thực hiện được, ảnh hưởng đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu công trình của các đối tượng được giao quản lý…

Khuyến khích xã hội hóa

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, trong đó sửa nhiều quy định đối với các công trình ở nông thôn.

Tại dự thảo Nghị định, Nhà nước từng bước tính đúng, tính đủ chi phí sử dụng, bảo trì tài sản và khai thác theo cơ chế thị trường; khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn cho đối tượng quản lý được sửa đổi gắn với phương thức quản lý để thực hiện mục tiêu quản lý. Theo dự thảo, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn hiện có, tài sản đầu tư, xây dựng, mua sắm mới báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, việc bán tài sản. Cụ thể: Đối tượng được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn gồm Ủy ban nhân dân cấp xã; đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bán tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn cho tổ chức, cá nhân để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật liên quan đến loại hình tổ chức, cá nhân mua tài sản, pháp luật chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh nước sạch và pháp luật có liên quan; thực hiện việc quản lý, sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính về đất gắn liền với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật đất đai.

 
Tính đến 30/6/2019, cả nước có tổng số 15.260 công trình, với tổng nguyên giá là hơn 22,1 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại là hơn 7,7 tỷ đồng; UBND cấp tỉnh thực hiện việc giao quản lý, vận hành, khai thác cho UBND cấp xã quản lý 12.857 công trình (bằng 84,25%), giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 1.905 công trình (bằng 12,48%), giao cho DN quản lý 498 công trình (bằng 3,26%). 

 

Nguồn: haiquanonline.com.vn