2019.12.26 - 1295 lượt xem
Phòng NN-PTNT huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, trên tổng số hơn 35.000 hộ gia đình trên địa bàn huyện mới chỉ có 58,5% hộ sử dụng nước sạch, 99,8% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
Địa hình của huyện Yên Dũng vốn là vùng trung du, nhiều hệ thống mạch nước ngầm, đi kèm chất lượng nước khá tốt. Người dân địa phương phần lớn vẫn giữ thói quen sử dụng nguồn nước ngầm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Điều đó khiến công tác cung cấp nước sạch gặp không ít khó khăn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các đơn vị doanh nghiệp đã được giao quản lý việc khai thác và cung cấp nước sạch cho người dân. Tại huyện Yên Dũng có 4 đơn vị doanh nghiệp khai thác và cung cấp nước sạch gồm Công ty CP Thương mại và xây dựng Nam Sơn, Công ty CP TID Hà Nội, Công ty Nước sạch Bắc Giang và Công ty THHH Môi trường công nghệ cao Nam An.
Ông Cao Văn Phong, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Yên Dũng thông tin: “Chúng tôi luôn đặt sự quan tâm đến chất lượng nguồn nước được cung cấp cho người dân lên hàng đầu. Hàng tháng các đơn vị khai thác và cung cấp nước sạch sẽ lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm và nộp kết quả về cơ quan quản lý địa phương. Sau đó các xã sẽ in kết quả đó và dán ở nhà văn hóa để người dân có thể nắm được chất lượng nước mà mình đang sử dụng”.
“Hằng năm huyện Yên Dũng vẫn chi kinh phí để phục vụ công tác tuyên truyền và tập huấn cho người dân. Phải nói rằng ý thức và nhận thức của người dân địa phương vẫn chưa đồng đều. Theo dự kiến đến năm 2020, mạng lưới nước sạch sẽ phủ khắp huyện”, ông Phong cho biết.
Hiện trên địa bàn huyện Yên Dũng, Công ty Nam Sơn có hệ thống nhà máy cung cấp nước cho 10 xã: Đồng Việt, Đức Giang, Tư Mại, Cảnh Thụy, Tiến Dũng, Thắng Cương, Nham Sơn, Yên Lư, Nội Hoàng, Tiền Phong. Nhà máy nước sạch Thắng Cương có công suất tối đa 15.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên hiện nhà máy vẫn chưa được khai thác hết, mới chỉ đạt 50% công suất tối đa.
Ông Nguyễn Thanh Tới, Giám đốc Nhà máy nước sạch Thắng Cương, cho hay: “Nhà máy của chúng tôi có một bộ phận kiểm tra chất lượng nước hàng ngày. Ngoài ra hàng tháng chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Bắc Giang) để kiểm tra chất lượng nước. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay công tác kiểm tra chất lượng nước đều cho kết quả tốt, đảm bảo”.
Cũng theo ông Tới, khó khăn nhất trong công tác cung cấp nước sạch là việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Do khách hàng chủ yếu là nông dân nên chúng tôi phải vận động, tuyên truyền để họ thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch. Ngoài ra việc đầu tư hạ tầng tại nông thôn rất tốn kém. Đường ống thì nhiều mà người sử dụng lại ít. Bên cạnh đó do không có quy hoạch nên công tác sửa chữa đường ống gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tới chia sẻ.
Anh Trần Xuân Trà, một người dân ở xã Thắng Cương cho biết: “So với những đơn vị cung cấp nước sạch trước thì Nhà máy nước sạch Thắng Cương phục vụ tốt hơn. Ngày trước chỉ có những nhà máy quy mô nhỏ nên hay xảy ra tình trạng mất nước. Bây giờ thì nguồn nước được đảm bảo hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Thanh Tới chia sẻ: “Trong trường hợp nguồn nước từ sông Cầu bị ô nhiễm hoặc có hiện tượng lạ, nhà máy luôn có nhân viên túc trực sẵn sàng dừng việc lấy nước và chờ đến khi nguồn nước được đảm bảo thì mới tiếp tục vận hành. Hiện nhà máy nước sạch Thắng Cương vẫn chưa có khu tích trữ nước dự phòng cho trường hợp nguồn nước từ sông Cầu bị ô nhiễm”.