Đẩy mạnh quản lý nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải

2019.12.19 - 982 lượt xem

Qua các kết quả quan trắc chất lượng nước trong năm 2019 của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho thấy có 12/15 vị trí quan trắc bị ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ này cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.

 

Rác thải sinh hoạt ngập tràn khu vực cống Xuân Thụy (Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội).
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm xả nước thải, bảo vệ chất lượng nước của công trình thủy lợi (CTTL) là việc làm khó khăn, phức tạp, lâu dài và đòi hỏi có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và nhân dân; cần phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.

Trước tình trạng đó, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất một số biện pháp như sau: Cần nâng cao năng lực quản lý nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi (HTTL) Bắc Hưng Hải.

Hình thành các tổ chức Quản lý môi trường trong HTTL, bổ sung nhiệm vụ và kinh phí cho hoạt động quản lý xả thải vào CTTL (lương cho cán bộ/ bộ phận chuyên trách, kinh phí hoạt động quản lý, giám sát nguồn xả thải). Đầu tư trang thiết bị phục công tác kiểm soát nguồn thải.

Cùng đó, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn các đơn vị khai thác CTTL kiểm kê nguồn thải, xác định lưu lượng nước thải xả vào HTTL. Ngày 8/7/2019, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tổ chức tập huấn cho trên 50 cán bộ thuộc các Chi cục Thủy lợi, Công ty khai thác công trình CTTL cấp tỉnh, Xí nghiệp khai thác CTTL cấp huyện thuộc 4 tỉnh trong HTTL Bắc Hưng Hải. Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên hàng năm và mở rộng cho các đối tượng thuộc các Xí nghiệp khai thác CTTL cấp huyện.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác cấp phép xả nước thải vào HTTL. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và kiểm tra sau cấp phép xả thải, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Hoạt động xả thải vào HTTL liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, do vậy, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng các nhánh sông trong khu vực của đơn vị liên quan.

Công tác quan trắc, lấy mẫu của viện.

Cụ thể như sau: Thiết lập đường dây thông tin giữa Công ty Bắc Hưng Hải với cục cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường để phản ánh kịp thời các vi phạm. Tăng cường phối hợp giữa Tổng cục Thủy lợi với cục cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra phát hiện kịp thời và thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đối với các nguồn thải phân tán, không thuộc đối tượng phải cấp phép (nước thải dân sinh, làng nghề, chăn nuôi, cơ sở SXKD nhỏ lẻ) chiếm trên 70% tổng lượng nước thải xả vào HTTL Bắc Hưng Hải và gần 100% chưa được xử lý. Các địa phương cần có biện pháp quản lý và xử lý các nguồn thải này trước khi xả vào HTTL.

PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp năm 2019” do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thực hiện, cho biết: Công tác rà soát qui hoạch tổng thể hệ thống thỷ lợi Bắc Hưng Hải cũng vô cùng quan trọng cần được thực hiện trong thời gian tới.

Cần đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải so với mục tiêu ban đầu là trữ nước, tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và hiện là nơi chứa các nguồn xả… làm cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể HTTL để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông, kênh trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; có phương án ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh trên hệ thống sông.

“Cần thường xuyên cập nhật các thông tin về nguồn thải, tình hình vi phạm xả thải vào HTTL Bắc Hưng Hải. Với 15 điểm quan trắc chất lượng nước là quá ít, chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nước tronh HTTL Bắc Hưng Hải. Do vậy cần phải tăng số điểm quan trắc đảm bảo các kênh chính và các công trình tiêu nước chính đều phải có vị trí quan trắc chất lượng nước và số lần quan trắc đảm bảo mỗi tháng 01 lần (12 lần/năm), PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương cho hay.

Nước kênh Kiên Thành chảy ra sông Đình Dù đoạn sau cống Ngọc Đà (Thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) ô nhiễm sủi bọt trắng.

 Nhận thức của người dân và chủ nguồn thải còn hạn chế

Theo phản ánh của các Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải, nhận thức của người dân và chủ nguồn thải vào hệ thống còn thấp.
Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, vứt rác thải, xác gia súc, gia cầm, đồ dùng gia đình xuống kênh mương là rất phổ biến, không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn bồi lắng kênh mương, cản trở dòng chảy, hư hỏng thiết bị trên kênh. Hàng năm, các công ty chi phí khá tốn kém trong việc vớt rác và nạo vét kênh mương

Nhiều doanh nghiệp, KCN mặc dù đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng do chi phí vận hành tốn kém nên thường không vận hành khi không có đoàn kiểm tra.

Hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu, chỉ bao gồm các bể lắng, lọc và các ao chứa nước thải chờ thời cơ xả ra kênh, mương.

Tình trạng xả trộm nước thải chưa qua xử lý khi trời mưa, vào những ngày lễ tết hoặc khi xả nước từ các hồ thượng nguồn là rất phổ biến dẫn đến tại nhiều điểm quan trắc ô nhiễm nước trong mùa mưa cao hơn sơ với mùa khô.


Nguồn: nongnghiep.vn