Hà Tĩnh: Nhiều hồ đập chưa lập quy trình vận hành điều tiết

2019.11.29 - 921 lượt xem

Sau khi rà soát, đánh giá lại hiện trạng các hồ chứa nước thủy lợi, tỉnh Hà Tĩnh xác định, trên địa bàn đang có khá nhiều công trình thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện quản lý, thậm chí chưa lập quy trình vận hành điều tiết. Hơn 20 công trình phải tích nước hạn chế.

 

Hàng loạt công trình hồ đập ở Hà Tĩnh thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện quản lý.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 351 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,5 tỷ m3 nước; có 90 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 15,74m3/s; hàng năm cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành nghề kinh tế khác; cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Mặc dù hàng năm, Trung ương và tỉnh vẫn dành một nguồn lực nhất định cho việc sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa. Tuy nhiên, do phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng cách đây 40 – 50 năm, điều kiện thi công còn thiếu và yếu; nhiều công trình sau nhiều năm sử dụng chịu tác động của thiên tai, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đến nay rất nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể, có 174 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó 54 hồ xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao, tập trung ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh… Có 1 hồ chứa ở huyện Hương Sơn không thể tích nước do hư hỏng và 20 công trình phải tích nước hạn chế.

 

Ngay hồ Kẻ Gỗ - dung tích 345 triệu m3 nước, nhưng cũng chưa có hệ thống quan trắc công trình.  

“Để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới sản xuất, phục vụ dân sinh năm 2020, chúng tôi đang triển khai nâng cấp, sửa chữa 7 hồ và xây mới 1 hồ”, ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh thông tin.

Ngoài ra, hơn 20 hồ khác cũng đã được lập dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập. Hiện đang trình UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

Theo ông Ngô Đức Hợi, thời điểm này đã cuối mùa mưa lũ, các hồ chứa cơ bản “no” nước. Vì thế, nhiệm vụ chính địa phương tập trung thực hiện bây giờ là triển khai các giải pháp ngăn chặn thất thoát nước như: đóng kín các cửa cống; tổ chức ra quân làm thủy lợi và tăng cường các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2020 trong 2 tháng (từ 1/12/2019 – 31/1/2020); đồng thời, sửa chữa hệ thống kênh mương đang bị hư hỏng trước khi vào vụ sản xuất…

Thiếu thốn trăm bề

Sau khi thực hiện việc phân loại các hồ chứa theo Quyết định mới (1235/QĐ-UBND, ngày 2/5/2019) của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thì có 232 hồ chứa có dung tích từ 0,005 triệu m3 hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên và 19 đập dâng có chiều cao từ 5m trở lên.

Trong quá trình rà soát, đánh giá lại hiện trạng các hồ chứa, tỉnh Hà Tĩnh xác định, trên địa bàn đang có khá nhiều công trình thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện quản lý chưa tương xứng với quy mô, nhiệm vụ được giao; thậm chí nhiều công trình hồ sơ thất lạc, chưa lập quy trình vận hành điều tiết.

 
 

Để đảm bảo nước tưới sản xuất và sinh hoạt năm 2020, ngành thủy lợi Hà Tĩnh đang tập trung theo dõi, đóng chặt cống nhằm tránh thất thoát. Ảnh: TN

Ngoài ra, có 10 công trình theo quy định phải thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát vận hành nhưng đến thời điểm này mới chỉ có hồ chứa nước Sông Rác, huyện Kỳ Anh đã thực hiện. Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn cũng chưa có hệ thống quan trắc công trình (thấm, lún), chỉ một số hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Sông Rác, trước đây có xây dựng nhưng hiện đã bị hưu hỏng.

Toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được 38 điểm quan trắc để đo mưa, mực nước, chủ yếu là các hồ chứa do các Cty quản lý, trong đó có 2 trạm đo tự động tại hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác.

Đặc biệt, chưa có hồ chứa nào được lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập và hiện tại mới chỉ có 3 hồ chứa có quy trình bảo trì công trình đầu mối và hệ thống kênh là hồ Đá Hàn, Khe Con và Họ Võ.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh: “Với 29 hồ chứa xung yếu còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, trước mắt, để đảm bảo an toàn cho công trình, hàng năm ngành thủy lợi phối hợp chính quyền các địa phương, đơn vị xây dựng quy trình vận hành cho từng hồ cụ thể. Chỉ đạo tích nước phù hợp, thậm chí không tích nước; đồng thời, xác định vị trí mở tràn phụ hoặc mở rộng tràn đề phòng mưa lũ lớn, đột ngột; chủ động xây dựng phương án “4 tại chỗ"… Về lâu dài, những hồ đập này cần được Trung ương, tỉnh bố trí nguồn vốn lập dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa”.

 
Nguồn: nongnghiep.vn