2019.11.19 - 1001 lượt xem
Trong mùa mưa năm nay lượng mưa chỉ xấp xỉ bằng, thậm chí thấp hơn mọi năm nên một số vùng tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên có nguy cơ thiếu nước ngay trong vụ ĐX, nhất là ngoài vùng thủy lợi.
Đây là nhận định của Tổng cục Thủy lợi tại Hội nghị sơ kết SX vụ hè thu, vụ mùa 2019 triển khai kế hoạch SX ĐX 2019-2020 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa tổ chức.
Chủ động tích nước
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện tượng ENSO hiện nay ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến những tháng đầu năm 2020. Do vậy dự báo khu vực Nam Trung bộ, lượng mưa từ nay đến tháng 4/2020 nhiều thời điểm thấp hơn so với cùng kỳ TBNN. Đối với khu vực Tây Nguyên từ tháng 4/2020 lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với TBNN.
Do lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay thấp hơn từ 15-30% so với mọi năm nên lượng nước tại các hồ thủy lợi khu vực Nam Trung bộ mới đạt từ 42 – 82% dung tích thiết kế. Các tỉnh có dung tích trữ còn thấp như: Bình Định 42%, Phú Yên 54%, Ninh Thuận 52%, Khánh Hòa 55%.
Dự báo lượng mưa trong khu vực muộn hơn TBNN, do vậy, nếu các địa phương điều tiết vận hành tích nước hợp lý thì hồ thủy lợi có khả năng tích nước đạt từ 80-100% DTTK, đảm bảo nguồn nước sản xuất cho vụ ĐX tới. Tuy nhiên, các hồ chứa thủy điện lớn cần có kế hoạch tích nước sớm và linh hoạt, đề phòng khả năng không tích đủ nước do sự bất thường của thời tiết.
Theo báo cáo, đến thời điểm này các hồ chứa lớn của Bình Định lượng nước mới đạt 20-50% DTTK, các hồ chứa nhỏ đạt 20-40%. Còn tỉnh Ninh Thuận, một số hồ vừa và lớn hiện lượng nước rất ít, chỉ đạt 10-20%. Đặc biệt hồ thủy điện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là nguồn cung cấp nước chính cho hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, nhưng lượng nước mới tích được 79 triệu m3 (đạt 51%).
Để đảm bảo nước tưới vụ ĐX
Với kế hoạch sản xuất lúa vụ ĐX toàn vùng là 317,3 nghìn ha, để đảm bảo nước tưới cho cả vùng, Tổng cục Thủy lợi đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, trước mắt các địa phương cần tổ chức kiểm kê nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ sản xuất để cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn.
Thực hiện tích nước hợp lý cho các hồ chứa, đảm bảo tích trữ được tối đa lượng nước theo năng lực công trình, đồng thời phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du; chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện thống nhất kế hoạch điều tiết hồ chứa để bổ sung nước cho hạ du.
Tăng cường nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước khi xảy ra thiếu nước, hạn hán; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (ướt – khô xen kẽ, nông-lộ-phơi, phun mưa, nhỏ giọt...). Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, cần ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...
Về lâu dài, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu các địa phương cần theo dõi, dự báo, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.
Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước... Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước. Chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.
Các địa phương cần có chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm nước, rà soát, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn, phòng lũ...
Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương trong khu vực xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. |