Hồ thủy lợi đẹp như tranh ở Đà Lạt

2019.11.18 - 1109 lượt xem

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân, hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt còn trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.

Nằm giữa những ngọn núi phường ở 3 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), hồ Tuyền Lâm có dung tích khoảng 27 triệu mét khối nước và trở thành nguồn nước phục vụ cho vùng nông nghiệp rộng lớn. Nhìn mặt hồ trong xanh, nhân viên làm việc tại tổ quản lý hồ Tuyền Lâm chia sẻ, đây là công trình cốt yếu của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài việc phục vụ ngành nông nghiệp, hồ còn là nơi để địa phương khai thác du lịch.

Hồ Tuyền Lâm được xây dựng vào năm 1981 và đến nay, sau nhiều lần bảo dưỡng, nâng cấp, các hạng mục công trình đều hoạt động tốt và an toàn. Hệ thống chân đập chắc chắn, không xảy ra rạn nứt hoặc rò rỉ nước. Ngành nông nghiệp cũng xây dựng hệ thống van điều tiết nước vận hành bằng điện và hoạt động hiệu quả.

 
 
Hồ thủy lợi Tuyền Lâm có dung tích 27 triệu mét khối nước và trở thành công trình quan trọng trong phát triển kinh tế của Lâm Đồng.
 

Ông Lê Chí Tuệ, Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Tuyền Lâm cho biết: “Van điều tiết được lắp đặt 2 hệ thống cửa. Trong đó một cửa chính và một cửa dự phòng để đảm bảo công tác sửa chữa khi xảy ra các sự cố. Hàng ngày, cán bộ của trạm phải thực hiện các biện pháp kiểm tra hệ thống, vận hành thử để nắm bắt tình hình”.

Để vận hành công trình, Tổ quản lý hồ Tuyền Lâm được bố trí 3 nhân sự và túc trực 24/24 để đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác. Theo ông Tuệ, nguồn nước tại hồ luôn xanh trong, sạch sẽ nên đây cũng là nguồn cung cấp cho nhà máy nước Đà Lạt để phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân. Nguồn nước từ công trình này cũng phục vụ cho việc phát điện và đặc biệt cấp nước tưới cho 2.750ha đất canh tác ở Đà Lạt và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). 
 
 
 
Công trình vận hành an toàn với hệ thống van điều tiết nước bằng điện.
 
 Theo cán bộ làm việc tại hồ, những năm gần đây, mực nước hồ có sự biến động mạnh nên cần theo dõi sát sao. “Ngày xưa, dù trời mưa to và kéo dài nhiều ngày nhưng nước trong hồ chỉ dâng ít và dâng chậm. Khoảng hai năm nay, mỗi khi trời mưa to, nước đổ về nhanh và trong một ngày có thể dâng lên 20cm. Nước dâng nhanh nên cán bộ làm việc tại đây phải theo dõi thường xuyên, liên tục báo cáo với cấp trên và chính quyền các địa phương ở hạ du để chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp xấu nhất”, ông Tuệ chia sẻ.

Ông Trịnh Quang Ứng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, hồ Tuyền Lâm là một trong những hồ thủy lợi có độ an toàn cao và vận hành, khai thác tốt. Nguồn nước tại đây không chỉ đáp ứng tốt cho công tác tưới tiêu mà còn phục vụ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của hàng vạn người dân.

 
 
 
Hồ Tuyền Lâm cũng là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là một trong những tour du lịch của Đà Lạt. 
 

Cũng theo ông Ứng, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi được UBND tỉnh phân cấp, giao quản lý 48 công trình thủy lợi. Trong đó có 32 hồ chứa nước, 6 đập dâng, 6 trạm bơm và 4 cống dâng. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và quản lý 46 công trình, còn 2 công trình là hồ Phát Chi ở Đà Lạt và hồ chứa nước thôn 5 (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) đang trong quá trình thi công, chưa được bàn giao. Tất cả công trình do Trung tâm quản lý được thiết kế để phục vụ tưới cho trên 22 nghìn ha đất canh tác.  

Theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, ngoài hồ thủy lợi Tuyền Lâm, các hồ khác như Ka La (huyện Di Linh), hồ Đắk Lông Thượng (huyện Bảo Lâm), hồ Đắk Lô (huyện Cát Tiên)… cũng đang có được sự vận hành, khai thác tốt. Đây là những công trình trọng yếu của địa phương, có vai trò quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. 
 
 Lâm Đồng hiện có 430 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 47 công trình còn lại do cấp huyện quản lý. Cũng trong số này, 220 công trình là hồ chứa, 87 công trình là đập dâng và trên 92 đập tạm, 12 kênh tiêu chủ động cấp nước cho vùng canh tác nông nghiệp. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, các hệ thống hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững tài nguyên nước. Các công trình đang đáp ứng nguồn nước tưới cho khoảng 43 nghìn ha đất canh tác, tương đương khoảng 58 nghìn ha đất gieo trồng.
 
 
  
Nguồn: nongnghiep.vn