2019.11.11 - 942 lượt xem
Bão Nakri tiến vào bờ Phú Yên - Khánh Hòa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn gây mưa lớn khiến nhiều địa phương mất điện.
Lúc 23h ngày 10/11, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa, với sức gió mạnh nhất cấp 8 (60 km/h), giật cấp 9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ 10-15 km. Đến sáng 11/11, áp thấp nhiệt đới trên đất liền Tây Nguyên, sức gió cấp 6. Những ngày tới, do ảnh hưởng của bão, các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to.
Cây ngã ở trung tâm TP Tuy Hòa. |
Tối nay, đường phố Tuy Hòa (Phú Yên) trở nên vắng vẻ, lác đác vài chiếc taxi, xe công vụ chạy qua con đường chính. Mưa to và gió giật từng đợt khiến một số cây xanh ven đường đổ ngã.
Những người dân sống ven bờ kè cửa biển Tuy Hòa chăm chú theo dõi diễn biến cơn bão trên điện thoại và khi hay tin nó suy yếu, ai nấy đều thở phào. "Chiều nay, gió giật phần phật cũng sợ lắm", ông Nguyễn Đúng, ở phường 6, TP Tuy Hòa nói.
Ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết đến nay trên toàn thành phố chưa xảy ra sự cố gì. Các lực lượng vẫn đang túc trực, phòng ngừa những tình huống xấu có thể xảy đến trong đêm.
Bão khiến 59.700 hộ dân bị mất điện. Mưa 100 mm ở nhiều nơi trong tỉnh. Tối cùng ngày, thủy điện sông Ba Hạ thông báo tăng lượng xả lũ điều tiết qua tràn 1.000 m3/s. Cùng với vận hành máy phát, thủy điện này xả về hạ du 1.400 m3/s.
Ông Nguyễn Đúng (bìa trái) cùng các thành viên trong gia đình theo dõi diễn biến bão qua điện thoại. |
Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) - nơi dự kiến tâm bão quét qua mưa có phần ngớt hơn so với đầu giờ tối. Tuy nhiên, gió vẫn rít mạnh. Biển động, cột sóng cao khoảng 5-6 m. Các tuyến đường quanh thị trấn Vạn Giã, người dân đóng chặt cửa. Quán xá vắng người.
Đến 21h30, ông Bùi Văn Hết (41 tuổi) và Trần Hữu Sơn (33 tuổi, đều huyện Vạn Ninh) bị kẹt trên lồng bè tại vịnh Vân Phong đã được địa phương đưa vào thôn đảo Ninh Tân, xã Vạn Thạnh ở gần đó - nơi có khu dân cư sinh sống. Chiều nay, hai người ra lồng nuôi tôm song gặp mưa lớn, sóng biển dữ dội đã không thể vào bờ.
Anh Thắng, 39 tuổi, ở xã Vạn Thắng cho hay, nơi đây gió lớn. Mái tôn nhà dân nằm cách biển chừng 100 m va đập vào nhau chát chúa. "Chúng tôi ở bên trong nhà nhưng cứ thấp thỏm, lo sợ mong trời yên", anh Thắng nói.
Mưa bão kèm gió mạnh đã làm hệ thống điện xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa bị hỏng, khiến gần 540 hộ dân bị mất điện vào chiều nay. 22h, ngành điện lực vẫn đang khắc phục, nhưng do gió lớn, khả năng đến sáng mai mới hoàn thành.
Tại Nha Trang, mưa cũng tạnh, gió nhẹ. Bà Nguyễn Thị Nha, 88 tuổi, nhà ở dưới chân núi thôn Thành Phát, xã Phước Đồng được sơ tán đến nhà văn hóa thôn. Có 6 người con, nhưng đều lập gia đình, nên bà sống với hai cháu nội (17-23 tuổi).
Bà Nguyễn Thị Nha, 88 tuổi, được sơ tán đến nhà văn hóa thôn Phước Đồng, Nha Trang. |
Từ chiều, trời mưa, nước từ trên núi cao chảy xuống nên mọi người liền đưa bà chạy bão. Đến đây, bà được địa phương cung cấp thức ăn, chăn màn để ngủ. "Năm trước nhà sạt lở, đổ sập. Hàng xóm nhiều người bị vùi dưới đống đổ nát, chết nhiều lắm", bà Nha nói và cho hay, sống gần hết đời người nhưng ba năm trở lại đây mới thấy Nha Trang có nhiều bão, lũ.
Cũng được sơ tán đến nhà văn hóa thôn, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, 49 tuổi, nhà cấp bốn ở trên núi được lợp tôn. Trước bão nhà đã được căng dây chằng chống lại. Chị cùng hai con liền theo hàng xóm đi tìm nơi tránh trú, nhưng vẫn cứ lo lắng. "Chồng mất, giờ tôi phải lo giữ an toàn cho các con", chị nói.
Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cho biết, hiện địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người, hệ thống điện tại một xã ở Ninh Hòa bị sự cố và đang được khắc phục. Các địa phương toàn tỉnh vẫn đang theo dõi tình hình của bão.
Bình Định, từ chiều, gió lớn, giật liên hồi. Nhiều người đi qua khu vực hồ sinh thái Đầm Đống Đa, TP Quy Nhơn lo lắng khi nhìn thấy tháp cẩu cao khoảng 20 m, dài hàng chục mét quay vòng theo gió lớn. Cần cẩu này đang thi công dự án chung cư. Đến tối, mưa gió đã ngớt. Hiện địa phương cũng chưa ghi nhận thiệt hại do bão.
Bão Nakri hình thành từ một vùng áp thấp trên biển Đông hôm 4/11, liên tục đổi hướng đi, cường độ. Nakri được dự đoán mạnh nhất so với 5 cơn bão trước đó. Bốn tỉnh từ Quảng Ngãi - Khánh Hòa lên kế hoạch di dời 180.000 người dân; hơn một triệu học sinh phải nghỉ học.
Hàng loạt chuyến bay đến Nha Trang, Quy Nhơn và Phú Yên bị hủy và lùi giờ khi bão tan. 250.000 người và 2.300 phương tiện cùng 5 tàu tìm kiếm cứu nạn được huy động ứng phó bão số 6. Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã bố trí 10 xe bọc thép BRMD-2 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa để giúp dân chống bão.
Mười ngày trước, bão Matmo đổ bộ vào Bình Định Phú Yên với cùng cấp độ đã quật ngã hàng nghìn cây xanh, nhiều nhà bị sập, một triệu hộ dân mất điện.
Nguồn: vnxpress.net