Sẽ có app đo chất lượng không khí của cơ quan chức năng

2019.10.15 - 812 lượt xem

NDĐT - Để người dân có số đo chính xác về chất lượng không khí, tránh hoang mang bởi các ứng dụng từ nước ngoài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng ứng dụng đo chất lượng không khí riêng của Việt Nam.

 

Sẽ có app đo chất lượng không khí của cơ quan chức năng

Cuộc họp báo thường kỳ ngày 14-10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14-10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với các Sở Tài nguyên và Môi trường, đã giao Trung tâm Quan trắc của Tổng cục, phối hợp với Cục thông tin, trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ đưa thông tin, hiển thị trên thời gian thực, mức độ ô nhiễm thực từ mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia cũng như mạng lưới của tỉnh đưa vào ứng dụng trên điện thoại để kịp thời cảnh báo người dân", ông Hoàng Văn Thức khẳng định.

Ông Thức cho biết, vừa qua tổ chức nước ngoài như AirVisual xếp hạng Việt Nam chỉ căn cứ một trạm kết nối số liệu gần đường Âu Cơ – Nhật Tân nên hoàn toàn không phản ánh được chất lượng không khí của Hà Nội.

"Số liệu chính xác nhất là trạm quan trắc cố định liên tục thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có hai trạm, hai trạm của Hà Nội và các trạm tự động hóa. Từng vị trí đặt trạm sẽ có ra kết quả đo khác nhau do các yếu tố như mật độ giao thông, xây dựng… Do đó, để đánh giá chất lượng không khí của thành phố Hà Nội hay Hồ Chí Minh thì phải căn cứ vào mật độ trạm đo từ trạm cố định, tự động. Thời gian qua, một số mạng nước ngoài như AirVisual chỉ căn cứ số liệu một trạm thì không phản ánh đại diện của cả thành phố", ông Hoàng Văn Thức nói.

Khi cơ quan chức năng chưa xây dựng được app, ông Thức khuyên người dân nên vào các tranhg web chính thống của Trung tâm Quan trắc của Tổng cục Môi trường, Chi cục Môi trường của Sở TN-MT Hà Nội… để xem chất lượng không khí mỗi ngày.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố chất lượng không khí hàng năm qua cổng quan trắc của Tổng cục Môi trường, còn đối với Hà Nội thì công bố tại Cổng thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường, các bản tin dự báo thời tiết của Hà Nội cũng đã kèm chất lượng không khí.

Theo ông Thức, nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng gia tăng mức độ ô nhiễm không khí và nồng độ bụi PM2.5 ở hai thành phố này thời gian qua là do thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Theo dữ liệu từ năm 2013 đến nay, tháng 9 năm nay ít mưa nhất trong 6 năm qua, liên tiếp trong nhiều ngày toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.

Đánh giá sơ bộ bề dày quan trắc từ 2013 đến nay của Bộ TN-MT, chất lượng không khí tại các đô thị nói chung đã được cải thiện, tuy nhiên mức độ ô nhiễm tăng giảm nhất định tùy từng thời điểm. Để đánh giá chất lượng không khí đô thị tốt hay xấu phải căn cứ mật độ trạm đo cố định và tự động hóa mới kết luận được.

Dự kiến, cuối năm nay, Bộ TN-MT sẽ có báo cáo đánh giá kế hoạch tổng thể về kiểm soát chất lượng môi trường không khí quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT thiết kế, quy hoạch mạng lưới quan trắc cho đến năm 2025, tầm nhìn 2030. “Chúng tôi sẽ thiết kế mạng lưới xương sống về quan trắc môi trường không khí, tức là tại các thành phố lớn sẽ đặt các trạm quan trắc không khí liên tục, xung quanh đó có một số trạm điện hóa kết nối và kết nối cùng các trạm của Sở TN-MT. Riêng Hà Nội thì từ nay đến cuối năm và 2020, Hà Nội sẽ lắp thêm 20 trạm quan trắc, trong đó có 10 trạm quan trắc cố định. Như vậy, mạng lưới tại các đô thị lớn sắp tới sẽ đủ dữ liệu để quan trắc, cảnh báo kịp thời cho người dân".

Ông Hoàng Văn Thức cũng cho biết, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng, yêu cầu sự vào cuộc của các bộ ngành khác trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí như Bộ Giao thông vận tải về kiểm soát khí thải giao thông, Bộ Xây dựng quản lý về các công trình xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chất thải nông nghiệp... Bộ TN-MT cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2014, sẽ đưa điều khoản chi tiết kiểm soát chất lượng môi trường trong đó có môi trường không khí.

Nguồn: nhandan.com.vn