Hòa Bình: Phấn đấu 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

2019.10.09 - 972 lượt xem

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu quan trọng này, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án, huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT).

 
 
 Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân xã Giáp Đắt (Đà Bắc) đã được thụ hưởng các công trình nước hợp vệ sinh. 
 
Một trong những chương trình trọng tâm đang được UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ là Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn  dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2016 - 2020. 
 
 
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vốn của chương trình trong cả giai đoạn là 279.695 triệu đồng, để đầu tư thực hiện 3 hợp phần chính: cấp nước nông thôn; VSMTNT; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Các ngành trực tiếp tham gia là NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế được giao cụ thể các tiểu hợp phần cần thực hiện, nhằm hướng đến mục tiêu chung là cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại các địa bàn được hưởng lợi.
 
Cũng như chương trình trên, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang xác định rõ trọng tâm đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Từ năm 2011 đến nay, chương trình đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới 152 công trình cấp nước sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân với tổng kinh phí trên 223 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2019 có 99/191 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó, nhất thiết phải hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ 95% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
 
 
Được biết, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động nhiều chương trình, dự án để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư lĩnh vực NS&VSMTNT. Nhìn chung, nguồn vốn được huy động từ Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo, Dự án ổn định dân cư và phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình, các dự án của tổ chức Childfund, các chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội… Nhờ huy động được nguồn lực, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của cộng đồng dân cư nông thôn. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã triển khai được trên 53.730 giếng đào hợp vệ sinh; trên 2.200 giếng khoan tay; trên 3.800 chiếc lu, bể chứa nước mưa; khoảng 25.950 công trình có vòi nước máy riêng và hiện có 303 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Sự đầu tư thiết thực đã giúp nhiều địa bàn cải thiện được vấn đề NS&VSMTNT, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân vùng được hưởng lợi. 
 
 
Đặc biệt, sau nhiều năm khắc phục khó khăn, Chương trình MTQG NS&VSMTNT đến nay đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 91,5%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh 85,6%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu 95,5%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 73%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 80,9%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 90,1%... 
 
Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; 75% số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số trường học và trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch; đảm bảo phần lớn các trạm y tế ở khu vực có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ hệ thống cấp nước và trang thiết bị rửa tay. 
 
 
Như vậy, so với đích đang hướng đến, chỉ tiêu về tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đang được xếp vào nhóm các chỉ tiêu gần đạt. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, đến cuối năm 2018, đã có 6 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, trong 9 chỉ tiêu gần đạt có chỉ tiêu về tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đây là kết quả khá thuận lợi để toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết, từ đó, tạo nền tảng quan trọng nâng cao sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương theo hướng bền vững./.
 
Nguồn: baohoabinh.com.vn