2019.09.25 - 778 lượt xem
Xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) được tiếp cận với hệ thống cấp nước sạch nông thôn khá muộn so với các cơ sở khác trong tỉnh. Nhưng lại là địa phương có tiến độ lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch nhanh nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công mạng cấp nước sạch Đình Dù) cho biết: Đơn vị đã tiến hành đào đắp, lắp đặt và trả lại nguyên trạng trên 30km đường ống dẫn nước các loại. Quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn khách quan như: Mạng lưới giao thông trên địa bàn xã đều đã được cứng hóa bởi bê tông mác cao, nên phải dùng máy khoan đục siêu trọng mới có thể đào mở rãnh đặt ống; sự phân bố các thôn dân cư trong xã cách biệt nhau khá xa, các phương tiện máy móc phải di chuyển nhiều, đã gây ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ thi công...
Tuy nhiên, nhờ nhận được sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong xã, cụ thể là: Đã có nhiều người dân sở tại, tự nguyện cùng các đơn vị thi công tiến hành san lấp, đầm nèn bê tông trên các rãnh ống sau lắp đặt, giúp trả lại nguyên trạng mặt bằng cũ. Các hộ đều sẵn sàng hỗ trợ điện lưới cho quá trình lắp đặt cụm đồng hồ được thuận lợi. Trung tâm Nước sinh hoạt & VSMTNT cùng với địa phương triển khai nhiều hội nghị tuyên truyền về tầm quan trọng của nước sạch trong đời sống dân sinh, kết hợp cấp phát “Sổ tay hỏi – đáp về đấu nối và sử dụng nước sạch tới các hộ gia đình”.
Bằng những giải pháp kịp thời đồng bộ nói trên, Trung tâm Nước sinh hoạt & VSMTNT đã giúp đã giúp Công ty hoàn thành thông mạng cấp nước vượt thời gian dự kiến.
Mặt khác, từ nhiều năm nay, nhà nông quá lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh tăng năng suất cây trồng. Các hóa chất độc hại dư thừa đã thấm sâu xuống các phân lớp địa tầng, làm cho nước ngầm bị ô nhiễm nặng, nhất là ở tầng khai thác nước của các giếng khoan nhỏ lẻ hiện hành.
“Nếu dùng nước giếng khoan nhỏ lẻ, mỗi năm phái thay cát bể lọc 2-3 lần (khoảng 1,5m3), cộng với công thay rửa cát các loại, khấu hao 2 máy bơm, hút nước và tiền điện vận hành máy bơm, thì chẳng những đắt hơn mua nước từ nhà máy, mà chất lượng nước lại không đảm bảo”, chị Quỳnh tính toán.
Mặc dù các hộ ở xã Đình Dù đều đã tự chủ được giếng khoan nước sinh hoạt gia đình, nhưng những giếng này đều khoan trước năm 2000, độ sâu lấy nước khá nông (trên dưới 40m), nên thường xảy ra hiện tượng hết nước cục bộ, nhất là vào mùa khô, trong đó nhiều gia đình đã phải lắp chõ hồi và thay mới bằng máy bơm công suất lớn, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.