Hà Nội: Gỡ vướng cho công tác cấp nước sạch

2019.09.17 - 828 lượt xem

Tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng một số dự án cung cấp nước sạch triển khai trên địa bàn các quận, huyện còn chậm và đề nghị thành phố đôn đốc, bảo đảm tiến độ các dự án.

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Chăm lo đời sống nhân dân luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, đặc biệt là vấn đề nước sạch vì đây là vấn đề sức khỏe cho người dân.
 
 
Phiên giải trình về cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội
 

Tại thời điểm năm 2016, khu vực nông thôn mới có 37,2% người dân được dùng nước sạch, vì vậy, nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVI đặt ra chỉ tiêu cấp nước sạch đến đầu năm 2020 là tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó, nước sạch là 50%, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch là 95-100%.

Để triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố, đồng thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố đối với việc chăm lo sức khỏe cho người dân cũng như mong muốn, phấn đấu để người dân Hà Nội nói chung và người dân nông thôn nói riêng được sử dụng nước sạch 100%, Ủy ban nhân dân Thành phố đã thể hiện quyết tâm và đề xuất với Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 03/8/2016, trong đó, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch phấn đấu đạt 100% đến năm 2020 cả ở khu vực đô thị và nông thôn.

Sau 3 năm triển khai nghị quyết, với sự nỗ lực và quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, bước đầu ghi nhận chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố về nước sạch đã hoàn thành trước 2 năm. Cụ thể, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 37% năm 2016 tăng lên 65% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp như ở Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên,… đặt ra cho các cấp chính quyền cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

“Qua đánh giá cho thấy còn nhiều dự án đã được cấp phép nhưng tiến độ còn chậm. Có lúc, có nơi người dân phản ảnh vẫn xảy ra thiếu nước cục bộ, chất lượng nước chưa đảm bảo,… Vì vậy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức Phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố.

Thông qua giải trình đánh giá kết quả đạt được, nguyên nhân của hạn chế, khắc phục khó khăn nhằm đạt chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố đặt ra, đó là tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đến năm 2020 phấn đấu đạt 100%”, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Nhiều dự án nước sạch gặp khó

Đặt câu hỏi tại Phiên giải trình, đại biểu Đoàn Việt Cường (huyện Mê Linh) nêu, trên địa bàn Thành phố hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước, tuy nhiên có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai.

Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở và các đơn vị liên quan, các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới? Nhiều dự án chậm triển khai tại địa bàn các quận, huyện cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, đơn cử như: Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), gần 6 năm vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục xuống cấp; dự án nước tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn giải phóng mặt bằng...

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), cho rằng, thời gian qua rất nhiều dự án được dầu tư triển khai, trong đó có nhiều dự án như Nhà máy Nước mặt Sông Đuống hoàn thành trước 16 tháng. Tuy nhiên vẫn còn những dự án chậm, trong đó có việc chuyển chủ đầu tư dự án. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết, con số chính xác về những dự án này.

Giải trình vấn đề mà các đại biểu đã nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, việc cấp nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố, là nhiệm vụ “xương sống” của kế hoạch cấp nước. Trong hơn 1 năm, Thành phố đã cho triển khai 11 dự án, hiện hoàn thành với 1.520 m3/ngày đêm với 5 nhà máy, đã tăng hơn 600.000/m3 ngày đêm so với năm 2016; đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, Dự án trạm cấp nước cục bộ (Công ty Minh Quân đầu tư) ở thị trấn Đại Nghĩa đang gặp vướng mắc do khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đâu tư, còn công ty nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm nhưng lại không có nguồn. Trước mắt, Thành phố sẽ đưa công suất 16.000 m3/ngày đêm của nhà máy sông Đuống và 10.000m3/ngày đêm của nước mặt Quan Sơn để đưa nước đến trạm cấp nước Đại Nghĩa.

Có thể nói, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…

Mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ

Làm rõ hơn những ý kiến của các đại biểu tại Phiên giải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội chọn phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thành phố cũng đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân, trong đó có chất lượng nước sạch.

Tuy nhiên, tình trạng nước sạch ở vùng nông thôn chưa bảo đảm, thiếu nước mùa khô; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm… Thành phố cũng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức ở Dương Nội, Hà Đông.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 3 năm qua, Ủy ban nhân dân Thành phố đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng (điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100 ha trong vòng 4 tháng); thi công đường ống; kết nối ngân hàng đồng hành về vốn; thí điểm xây dựng hệ thống cấp nước nông thôn ở 3 huyện để triển khai rộng rãi...

Với những nỗ lực của Thành phố, nước sạch đã đến với nhiều người dân. Tuy nhiên, tại nhiều nơi có nước sạch người dân lại không mấy mặn mà. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lý giải, nguyên nhân là thói quen chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm để đỡ tốn kém. Việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm asen. Với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, Thành phố sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm.

Đồng thời, sẽ xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; trợ giá cho người dân nông thôn; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghiệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa... Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, sắp tới một số nhà máy nước ở Hà Nội sẽ phải đầu tư bổ sung công nghệ mới, thay thế đường ống bảo đảm chất lượng.

Giá nước sẽ được điều chỉnh để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Ngay sau hội nghị, thành phố sẽ rà soát, yêu cầu doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không đủ tiêu chuẩn để uống được tại vòi thì nhất định thay thế... “Rất cần sự đồng thuận rất cao của người dân trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là bảo đảm sức khỏe của mình”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu gọi.

Với những khó khăn, tồn tại từ việc cấp nước sạch mà các đại biểu đã nêu, Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu, các Sở ngành, quận, huyện cố gắng tìm ra các giải pháp, thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết sớm. Tiếp tục nghiên cứu chính sách, mô hình, giải pháp đẩy mạnh các dự án. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo rà soát để sớm thực hiện đúng lộ trình Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố./.

Nguồn: laodongthudo.vn