Kiểm soát an toàn hồ đập

2019.09.13 - 1054 lượt xem

Bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các đập, hồ thủy điện tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của dư luận, trước những thiệt hại nặng nề của các tỉnh miền Trung do mưa lớn kéo dài, cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn, khiến hàng nghìn hộ dân bị cô lập.

  Các địa phương phải siết chặt quản lý, vận hành nghiêm ngặt các hồ đập, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Ảnh minh họa: H.L

 
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện, cả nước có 6.755 đập, hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3. Nhưng đáng báo động là trong số này có 1.730 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ và khoảng 200 hồ chứa hư hỏng, hơn 100 hồ đang sửa chữa, nâng cấp cần lưu ý. 

Trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, nhưng hàng loạt hồ chứa hư hỏng tại các địa phương có khả năng mưa lớn thời gian tới như: Thanh Hóa (16 hồ), Nghệ An (10 hồ), Hà Tĩnh (6 hồ), Quảng Bình (12 hồ), Quảng Trị (6 hồ), Quảng Nam (5 hồ), Quảng Ngãi (5 hồ), Bình Định (7 hồ), Gia Lai (10 hồ), Đắk Lắk (8 hồ), Đắk Nông (8 hồ)...

Mặc dù, Tổng cục Thủy lợi xác định, phần lớn các hồ chứa nằm trong danh sách báo động là các hồ chứa vừa và nhỏ, nhưng nhiều nhà khoa học cảnh báo, không thể chủ quan, xem nhẹ, bởi các hồ, đập đều được xây dựng ở vùng cao, nếu xảy ra sự cố, lượng nước trút xuống vùng thấp sẽ rất lớn, hậu quả sẽ rất khó lường. Sự nguy hiểm, rủi ro nhân lên gấp bội trước việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện trong thời gian ngắn, do việc phê duyệt các công trình thủy điện dưới 30MW thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Rõ ràng, nguy cơ gây thảm họa cho hạ du đến từ nhóm hồ được xây dựng cách đây đã lâu, quá trình vận hành không đầu tư gia cố, tu bổ thường xuyên nên không đảm bảo yêu cầu  chống lũ. Nhiều hồ chứa tại thời điểm này buộc phải xả tràn khẩn cấp do xuất hiện hiện tượng thấm, nứt, rất khó trụ vững trong điều kiện mưa lũ bất thường, cực đoan như hiện nay. 

Lo ngại nhất là hệ thống hồ, đập thủy điện nhỏ do doanh nghiệp tư nhân vận hành. Một số chủ công trình chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ quên rằng các thủy điện ngoài chức năng phát điện, còn phải điều tiết lũ. Thế nên, nghịch lý hiện vẫn chưa có lời giải là các thủy điện nhỏ tích nước đầy trong mùa hạn hán, nhưng khi lũ tràn về, lập tức xả lũ ồ ạt thay vì xả từ từ...

Trước tình hình trên, vấn đề cấp bách lúc này là đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với 536 hồ chứa đã xác định được nguồn vốn. Ðối với 1.189 hồ chứa còn lại, sớm hoàn thành việc sửa chữa bằng nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, vốn trung hạn của các địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa; tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa, để nâng cao chất lượng vận hành, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. 

Trước mắt, các địa phương phải siết chặt quản lý, vận hành nghiêm ngặt các hồ đập, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các nhà máy thủy điện./.

Nguồn: bienphong.com.vn