Lũ cuối tháng 9 không ảnh hưởng vụ hè thu và thu đông

2019.09.13 - 850 lượt xem

Dự báo nguồn nước tháng 9 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho thấy, vụ Hè Thu và Thu Đông ở khu vực này sẽ hầu như không bị ảnh hưởng bởi lũ cuối tháng 9.

Theo số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay tại các trạm trên dòng chính sông Mê Công hầu hết đều thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN), một số trạm cao hơn TBNN do lượng mưa tháng 8 cao hơn khá nhiều so với TBNN.

Mực nước trên các trạm dòng chính sông Mê Công thấp hơn khá nhiều so với TBNN và năm 2015 ở các trạm từ Savannakhet trở về phía thượng lưu. Tuy nhiên ở các trạm phía hạ lưu, từ trạm Pakse trở xuống, hầu hết mực nước các trạm đều cao hơn TBNN và năm 2015 cùng kỳ.

Tổng lượng từ ngày 1/6-2/9/2019 tại Kratie là 93,92 tỷ m3 thấp hơn tổng lượng lũ TBNN (80-18) khoảng 73,16 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2018, 2000, 2011, và thấp hơn năm lũ nhỏ điển hình 2015 khoảng 15,73 tỷ m3.

Cũng tại trạm Kratie, diễn biến mực nước trong tháng 8 có xu thế tăng mạnh vào giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Đến ngày 2/9 mực nước tại Kratie đạt 20,10 m, cao hơn 1,22 m so với TBNN (18,88 m).

Tại Tân Châu, Châu Đốc, mực nước chịu ảnh hưởng bởi cả lũ thượng nguồn và thủy triều. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc đang có xu thế tăng mạnh từ tuần cuối tháng 8 đến nay do lũ thượng nguồn đang tăng mạnh. Mực nước lớn nhất ngày 1/9 tại Tân Châu đạt 2,53 m, thấp hơn 0,83 m so với TBNN (3,36m), thấp hơn 1,47 m so với năm 2018 (4,00 m), và thấp hơn nhiều nhiều so với các năm 2017, 2000, 2011, chỉ cao hơn năm 2015, và năm 2016. Tại Châu đạt 2,33 m thấp hơn 0,60 m so với TBNN (2,93 m), thấp hơn 1,23 m so với năm 2018 (3,56 m), và thấp hơn nhiều nhiều so với các năm 2017, 2000, 2011, chỉ cao hơn năm 2015, và năm 2016.

Kết quả giải đoán ảnh vệ tinh MODIS ngày 13/08/2019, chưa xảy ra ngập trên khu vực hạ lưu sông Mê Công.

Kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cho thấy, chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công trong tháng 9 lớn hơn TBNN ở khu vực Thượng Lào khoảng 0,5-1 mm/ngày. Các khu vực khác bằng và thấp hơn TBNN.

Triều dự báo tháng 9 năm 2019 ở mức khá cao, cao hơn TBNN và thấp hơn 2018. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề (2,10 m) vào ngày 23/9, đỉnh triều thấp nhất tại trạm Hà Tiên (0,35 m). Chân triều thấp nhất tại trạm Vũng Tàu (-2,21 m) vào ngày 17/9, chân triều cao nhất ở trạm Rạch Giá (-0,03 m) vào ngày 16/9.

Mùa lũ 2019 trên sông Mê Công đến muộn và đang ở mức thấp. Đến ngày 30/9, mực nước lớn nhất ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu dao động ở mức 2,80-3,20 m, Châu Đốc dao động ở mức 2,40-2,80 m.

Diễn biến mực nước nội đồng vùng Thượng ĐBSCL: Hmax biến đổi từ 0,70-3,50 m, mực nước lớn trên 2,5 m chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn như: huyện An Phú, Thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực khác mực nước dưới 2,5 m. Diễn biến mực nước nội đồng vùng Giữa ĐBSCL: Hmax biến đổi từ 0,52-1,73 m, mực nước cao ở ven sông chính và thấp dần vào phía nội đồng. Diễn biến mực nước nội đồng vùng Ven biển ĐBSCL: Hmax biến đổi từ 0,47-1,91 m, mực nước lớn ở cửa sông, cửa biển và thấp dần vào bên trong nội đồng.

Tính đến ngày 30/8/2019, cả 3 vùng Thượng, Giữa và vùng Ven biển ĐBSCL, diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch xong là 1.137.112 ha, xấp xỉ 73% diện tích xuống giống. Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông năm 2019 trên toàn ĐBSCL khoảng 750.000 ha, đến 30/8 đã xuống giống được khoảng 542,49 ha (72% so với kế hoạch), và đã thu hoạch được 10.495 ha ở các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang.

 Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, mức lũ cuối tháng 9 ở mức thấp nên hầu như không ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông. Mùa lũ 2019 trên sông Mê Công đến muộn và ở mức thấp, với mức lũ tại Tân Châu cuối tháng 9 ở mức thấp, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất.
 
Nguồn: nongnghiep.vn