Tìm mô hình quản lý lưu vực sông hiệu quả

2019.08.28 - 779 lượt xem

Việc tìm mô hình tổ chức lưu vực sông thực sự có vai trò điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông đang là yêu cầu cấp bách.

* Một lưu vực sông - hai cơ quan quản lý

Từ năm 2002, Bộ TN&MT đã tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Nhận trách nhiệm trong bối cảnh các dòng sông liên tỉnh bị đe dọa trước suy thoái môi trường, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ thành lập các Ủy ban Bảo vệ Môi trường (UBBVMT) lưu vực sông. Đó là UBBVMT lưu vực sông Cầu (năm 2007), UBBVMT lưu vực sông Đồng Nai (năm 2008) và UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (năm 2009). Các Ủy ban này có chức năng tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện các nội dung của Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái cảnh quan lưu vực sông.

Song song với các tổ chức này, còn có các tổ chức lưu vực sông do Bộ NN&PTNT đã thành lập và quản lý trước đó như Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông (QLQHLVS).

Ban Quản lý này là tổ chức sự nghiệp có chức năng quản lý quy hoạch chứ không điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông. Thậm chí, chức năng quản lý quy hoạch cũng mới chỉ được thực hiện một cách hình thức. Vai trò của Ban QLQHLVS hiện đang rất mờ nhạt trong tham mưu với Bộ, Tổng cục Thủy lợi.

Chính vì vậy, có tình trạng trên cùng một lưu vực sông, tồn tại 2 tổ chức lưu vực sông khác nhau. Có thể kể đến, tại lưu vực sông Cầu, ngoài Tiểu ban Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Cầu còn có UBBVMT lưu vực sông Cầu, cũng như ở lưu vực sông Đồng Nai tồn tại cả Ban QLQHLVS và UBBVMT lưu vực sông.

Vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, vì vậy, lại bị tách vụn thành nhiều mảng mà chưa có sự quản lý tổng hợp. Trong khi chưa có một tổ chức lưu vực sông đủ năng lực để thực thi việc quản lý tổng hợp, sự phối, kết hợp giữa quản lý nước.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện, có trên 10 tổ chức lưu vực sông tồn tại dưới dạng Ban QLQHLVS, Hội đồng QLLVS được thành lập theo quy định của Luật Tài nguyên nước cũ (năm 1998) và UBBVMT lưu vực sông… Các tổ chức này gồm các đại diện kiêm nhiệm là lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương liên quan, dẫn tới những hạn chế trong đầu tư nguồn lực và thời gian cho nhiệm vụ quản lý.

Điều đáng nói, các tổ chức này hoạt động theo hình thức hội nghị, thảo luận. Các kết luận, giải pháp của các cuộc họp chủ yếu mang tính khuyến nghị và giá trị hiệu lực không cao.

Các lưu vực sông đang cần một “nhạc trưởng” có cây gậy chỉ huy đủ mạnh

* Đề xuất thành lập 4 Ủy ban lưu vực sông theo vùng

Ô nhiễm môi trường ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, khu vực đô thị càng trở nên trầm trọng. Hiệu quả sử dụng công trình thuỷ lợi thấp đạt khoảng 40 - 60%, tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt cũng như sản xuất nhiều tháng liền như đợt hạn hán ở Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Vì vậy, đã đến lúc cần một “nhạc trưởng” đủ năng lực và quyền hạn để có thể điều phối, giám sát, giải quyết các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do ô nhiễm nước gây ra.

Trong báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2018, Chuyên đề “Môi trường nước trên các lưu vực sông”, Bộ TN&MT đã kiến nghị, để quản lý thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông phải thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông. Trong cơ cấu tổ chức quản lý lưu vực sông cần tăng cường cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phòng chống tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường; phải khắc phục những hạn chế, bất cập của các mô hình tổ chức trên lưu vực sông hiện nay nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả phối hợp giải quyết những vấn đề chung, có tính chất liên ngành, liên vùng, liên địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước và BVMT lưu vực sông. Cơ chế này sẽ được hoạt động với sự tham gia của các tổ chức: Ban, Ủy ban hoặc Hội đồng chỉ đạo, điều phối các hoạt động chung của các lưu vực sông; Văn phòng tổ chức và triển khai các hoạt động cụ thể dưới sự chỉ đạo của Ban, Ủy ban hoặc Hội đồng; Mạng lưới chuyên gia tư vấn đa ngành hỗ trợ về kỹ thuật.

Đối với 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai hiện nay, cần hợp nhất Ban/Tiểu ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông (Bộ NN&PTNT) và Ủy ban BVMT lưu vực sông (Bộ TN&MT).

Đối với các lưu vực sông không có một trong hai tổ chức trên hoặc cả hai thì cần có sự chuyển đổi hoặc thành lập Ủy ban mới.

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đề xuất thành lập 4 Ủy ban lưu vực sông trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Ủy ban lưu vực sông Hồng - Thái Bình (được xác định theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP) Ủy ban lưu vực sông Bắc Trung Bộ chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông: Mã, Cả, Hương, Tống, Yên, Lạch Bạng, Gianh, Bến Hải và Ô Lâu; Ủy ban lưu vực sông Nam Trung Bộ chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông: Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Lại Giang, Kỳ Lộ, Cái Ninh Hòa và Cái Nha Trang; Ủy ban lưu vực sông Đồng Nai chịu trách nhiệm đối với 8 lưu vực sông: Đồng Nai - Sài Gòn, Cạn, Trâu, Cái Phan Rang, Lũy, Cái Phan Thiết, Dinh, Đu Đủ và Ray. Thành lập cơ quan giúp việc cho các Ủy ban là Văn phòng Ủy ban lưu vực sông đặt tại Bộ TN&MT.

Văn phòng Ủy ban lưu vực sông có thể có các phòng chuyên môn với biên chế được bố trí trong biên chế công chức của Bộ TN&MT. Kinh phí hoạt động của Văn phòng được lập trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ TN&MT và từ các nguồn khác gồm: nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ môi trường rừng, tiền thu từ hoạt động cấp phép khai thác tài nguyên nước, phí xả nước thải vào nguồn nước.

Nguồn: monre.gov.vn