Thủy lợi phục vụ mục tiêu phát triển bền vững

2019.08.26 - 885 lượt xem

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi (28/8/2015 - 28/8/2019), ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã chia sẻ với Báo NNVN về chủ đề “Thủy lợi phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.

 

Định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009. Qua gần 10 năm triển khai chiến lược, công tác thủy lợi đã đạt được thành tựu quan trọng.

Chúng ta đã chủ động cấp, tiêu nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, nâng dần mức bảo đảm phòng, chống lũ cho các khu đô thị, dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thủy lợi cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thủy lợi, trong đó có Luật Thủy lợi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi.

Thủy lợi đóng góp tích cực trong việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên các vùng miền, tăng hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm sức lao động. Những thành tích trên góp phần đưa sản lượng lúa đạt trên 43 triệu tấn, 16 triệu tấn rau màu, trên 8,5 triệu tấn cây ăn quả, 7,56 triệu tấn thủy sản... Đến hết năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch nông thôn cam kết.

Tuy nhiên, những thách thức đối với công tác thủy lợi thời gian tới là rất lớn. Trước hết, biến đổi khí hậu cùng biểu hiện ngày càng rõ nét; sự cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước trên các hệ thống sông trong mùa kiệt làm suy giảm năng lực của hệ thống thủy lợi.

Việc hạ thấp mực nước trên dòng chính các sông khiến một số trạm bơm, cống lấy nước lớn có khả năng phải dừng hoạt động, dẫn đến phải bổ sung công trình thay thế làm tăng thêm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, việc phát triển ở thượng nguồn các lưu vực sông đang gây bất lợi cho công tác thủy lợi, nhất là hoạt động xây dựng các hồ chứa trên dòng chính, chuyển nước lưu vực, khai thác rừng, gia tăng sử dụng nước tại các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thủy lợi, như phát triển hồ chứa ở thượng nguồn, khai thác cát ở hạ lưu làm mất cân bằng bùn cát. Từ đó dẫn đến sự hạ thấp đáy sông, xói lở bờ sông, bờ biển.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi; triển khai thực hiện đồng bộ chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với đặc thù vùng miền, đối tượng sử dụng dịch vụ; rà soát, bổ sung xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực thủy lợi...

Đối với vùng trung du miền núi Bắc bộ, cần phát triển thủy lợi nhỏ, tưới cho các vùng đất dốc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; cấp nước cho vùng khan hiếm nước; phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cho các khu dân cư; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Hệ thống thủy lợi Việt Nam ngày càng được hiện đại hóa.

Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường năng lực tiêu thoát nước ra các sông chính; giải quyết ô nhiễm nguồn nước...

Bắc Trung bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, cấp nước cho vùng ven biển, nghiên cứu giải quyết vấn đề hạ thấp mực nước sông.

Nam Trung bộ tiếp tục đầu tư công trình thuỷ lợi lớn để tạo nguồn, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xây dựng đường ống kết nối hồ chứa và chuyển nước ra vùng ven biển, điều tiết công trình thủy điện thượng lưu các sông để cấp nước cho vùng hạ du.

Khu vực Tây Nguyên tiếp tục đầu tư công trình thuỷ lợi lớn để tạo nguồn, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt.

Khu vực Đông Nam bộ khai thác đa mục tiêu hệ thống thuỷ lợi; mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn, cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; chống ngập úng cho đô thị ; kiểm soát nguồn thải, xử lý ô nhiễm bảo đảm duy trì chất lượng nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi đạt tiêu chuẩn cấp cho các hoạt động sử dụng nước.

Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, phát triển bền vững ba vùng sinh thái theo hướng linh hoạt, phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn trái, lúa để nâng cao giá trị gia tăng, chủ động sống chung với lũ.

Nguồn: nongnghiep.vn