Nước thải sinh hoạt – thủ phạm gây ô nhiễm sông

2019.08.16 - 1639 lượt xem

Cứ mỗi khi nhắc đến ô nhiễm các dòng sông mọi mối nghi ngờ đề đổ dồn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) nhưng ít ai biết rằng nước thải sinh hoạt cũng tác nhân lớn gây nên ô nhiễm các dòng sông.

Theo số liệu thống kê hiện tại từ các tỉnh trên lưu vực sông Cầu, tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Cầu chiếm tỷ lệ lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (hơn 50%). Tỉnh Bắc Ninh, lượng nước thải sinh hoạt thải ra sông Cầu là 200.000m3 /ngày đêm (chiếm 62%); các tỉnh còn lại đều chiếm khoảng 50%. Đáng nói là cả 6 tỉnh trên lưu vực sông Cầu đều có hệ thống xử lý nước thải đô thị và xử lý một phần, còn lại hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Cầu.

Hiện tại tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm tỷ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%). Cụ thể như thành phố Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3 /ngày đêm (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%; tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy.

Nước thải sinh hoạt đổ ra các sông có nồng độ COD, BOD5,Ni-tơ và Phốt pho khá cao. Không những thế, còn chứa rất nhiều kim loại cứng, vi rút, vi khuẫn, giun sán. Lượng nước thải này xả ra sông, suối khiến cho hệ sịnh vật ở sông suối chết hết, làm cho động vật phù du cũng cạn kiệt nguồn tài nguyên và giảm khả năng sinh trưởng, phát triển…

Ông Yutaka Matsuzawa - Chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN cho rằng, nước thải sinh hoạt chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước, không những thế, nước thải sinh hoạt là hiểm hoạ môi trường hàng đầu tại VN hiện nay. Trong vòng ít nhất là 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ phải hứng chịu các tác động nặng nề do nước thải sinh hoạt không được xử lý.

Chúng ta có thể đếm được số nhà máy thải ô nhiễm ra môi trường và có thể xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh. Nhưng nếu thờ ơ và để nước thải sinh hoạt từ hơn 90 triệu người làm ô nhiễm môi trường thì vấn đề sẽ là rất lớn, nhất là với môi trường cho thế hệ tương lai. Vì vậy, cần phải đầu tư, lộ trình về xử lý nước thải sinh hoạt đặc biệt là nước thải sinh hoạt ở các đô thị có xả thải trực tiếp ra sông. Để giải quyết được vấn đề này cần có chủ trương từ cấp Trung ương đến địa phương.

Nguồn: monre.gov.vn