Nỗi lo an toàn hồ chứa ở Tây Nguyên

2019.08.15 - 1180 lượt xem

Mặc dù chưa phải đỉnh điểm của mùa mưa nhưng các tỉnh Tây Nguyên đang phải đối mặt nguy cơ xảy ra sự cố hồ chứa do hàng trăm hồ bị hư hỏng, xuống cấp, có hồ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ðây thật sự đang là bài toán khó cho các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống thiên tai.

Kênh dẫn thượng lưu tại hồ chứa Phù Mỹ, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo (Ðác Lắc) bị bồi lấp hoàn toàn. Ảnh: KIỀU ÐỊNH

 

Hồ xuống cấp nghiêm trọng

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, với hơn 5.000 km kênh mương. Diện tích lúa ở khu vực được tưới chủ động là 50%, với cà-phê là 21%. Như vậy, hơn 400 nghìn ha cà-phê ở đây phải tìm nước từ các nguồn khác rất bấp bênh, đặc biệt trong bối cảnh rừng bị tàn phá nặng nề.

Thực tế cho thấy, số lượng hồ chứa khu vực Tây Nguyên không đủ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt của người dân. Thêm vào đó, các hồ đều được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa, làm mới, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Lắc Nguyễn Hoài Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 780 công trình thủy lợi, trong đó 607 hồ chứa, tổng dung tích 620 triệu mét khối, nhưng toàn bộ các công trình ở đây chưa được kiểm định an toàn và đều có dấu hiệu hư hỏng. Ðáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có 102 hồ chứa thuộc các nông, lâm trường và công ty cao-su quản lý, đang trong tình trạng mất an toàn cao. Ðiển hình là hồ chứa nước Phù Mỹ, xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo (Ðác Lắc) được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, với dung tích 174.000 m3, bảo đảm tưới cho hơn 100 ha cà-phê trên địa bàn huyện. Ðến nay, nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đã phải thông báo cho nhân dân trong khu vực hạ du về tình hình hư hỏng và khả năng mất an toàn của công trình… Hồ chứa Phù Mỹ chỉ là một trong tổng số hơn 90 công trình thủy lợi đang hư hỏng trên địa bàn tỉnh.

Ðưa chúng tôi đi kiểm tra một vòng các hồ chứa trên địa bàn, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Tuy Ðức (Ðác Nông) Trương Ðức Thanh cho biết, tất cả các hồ chứa trên địa bàn huyện là hồ nhỏ, chảy tràn tự do, hồ lớn nhất chỉ có dung tích khoảng hai triệu mét khối. Các hồ chứa đều được xây dựng từ lâu, nên hư hỏng nhiều, mất an toàn. Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, hạn hán kéo dài, nhu cầu nước tưới rất lớn, các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, sửa chữa hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nước tưới, cũng như chống hạn cho cây trồng trên địa bàn.

Trong chuyến kiểm tra công tác vận hành để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại tỉnh Kon Tum, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nhận định: Hiện, trong điều kiện mưa lũ cực đoan cần phải rà soát tổng thể vấn đề chống chịu mưa lũ của hệ thống hồ chứa, khẩn trương xây dựng phương án chống lũ cho vùng hạ du đối với các hồ đập thủy lợi còn lại… Tuy nhiên, đối với 24 hồ chứa lớn có khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở vùng hạ du trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có ba hồ chứa là Ðác Uy (huyện Ðác Hà); Ðác Yên, Ia Bang Thượng (TP Kon Tum) đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng, chống lũ lụt, 21 hồ chứa còn lại mới đang trong giai đoạn lập hồ sơ.

Cần giải pháp toàn diện

Với đặc thù vùng Tây Nguyên là không có nhiều hồ chứa lớn, chủ yếu là hồ nhỏ được giao cho các địa phương, nông, lâm trường, công ty cà-phê quản lý. Thêm vào đó, các hồ chứa đều đã quá cũ, việc bảo đảm an toàn thật sự đang là bài toán khó cho các cấp chính quyền nơi đây. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định, trách nhiệm về quản lý an toàn đập, hồ chứa là của UBND cấp tỉnh. Việc quản lý các hồ nhỏ chủ yếu giao cho cấp huyện, xã, tổng công ty cà-phê, cơ quan công an, quân đội, được đánh giá là không đáp ứng đủ năng lực theo quy định.

Hằng năm, các địa phương đã trích một phần kinh phí để duy tu, bảo trì các công trình, chủ những hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng cũng có văn bản đề nghị tỉnh cấp hoặc tự tìm nguồn kinh phí sửa chữa. Số lượng đập, hồ chứa hư hỏng lớn trong khi kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp còn hạn chế. Mặt khác, hồ sơ lưu trữ của nhiều công trình bị thất lạc hoặc hư hỏng, các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30, 40 năm hầu như không còn hồ sơ thiết kế cho nên để sửa chữa, nâng cấp lại phải đầu tư khảo sát từ đầu.

Ðể khắc phục những hạn chế trong việc quản lý an toàn đập, hồ chứa, trước mắt, các địa phương cần xây dựng mạng lưới khí tượng - thủy văn chuyên dùng tại các hồ chứa lớn, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa. Ðặc biệt, tại Tây Nguyên, nơi các con sông dốc, ngắn, thời gian lũ lên nhanh thì việc xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc phục vụ dự báo vận hành hồ theo thời gian thực là rất quan trọng, cần khẩn trương triển khai, thực hiện. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đào tạo năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ, công nhân quản lý hồ chứa; tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về an toàn đập, nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó của người dân...

Ðối với các hồ chứa nhỏ, cần tổ chức rà soát, ưu tiên sửa chữa nâng cấp các hồ bị hư hỏng nặng, thiếu khả năng xả lũ bằng vốn ODA, ngân sách T.Ư và địa phương. Với các hồ chứa hư hỏng nặng và thiếu khả năng xả lũ, trong khi chưa được sửa chữa, nâng cấp thì cần hạn chế hoặc không tích nước để bảo đảm an toàn.

Một vấn đề nữa trong công tác phối hợp bảo đảm an toàn các hồ chứa trên khu vực Tây Nguyên là hằng năm, các đơn vị thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cần lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du để trình UBND các tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du còn gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn các đập thủy điện (thủy lợi), hồ chứa chưa có bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du với tỷ lệ cần thiết phục vụ cho việc xây dựng phương án; khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du đập, đặc biệt đối với nhiều đập của nhiều chủ đầu tư xây dựng trên cùng một lưu vực sông; chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên một lưu vực cùng tham gia xả lũ. Mặt khác, việc tích nước các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên lên mực nước dâng bình thường vào cuối mùa lũ là rất quan trọng nhằm bảo đảm việc cung cấp nước hạ du và an ninh cung cấp điện. Chính vì vậy, các đơn vị cần rà soát quy chế phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan, kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu và xử lý các vi phạm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm bảo đảm xả lũ an toàn.

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, cả nước đã đầu tư sửa chữa được 633 hồ chứa các loại với tổng kinh phí 12 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa đang bị hư hỏng. Vì vậy, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là đầu tư sửa chữa nâng cấp, nâng cao khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các hồ chứa lớn.

Hiện đã có 450 hồ chứa đã đưa vào danh mục đầu tư trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) với tổng kinh phí 433 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 19 tỉnh, thành phố khu vực miền trung - Tây Nguyên (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên) sửa chữa nâng cấp 47 hồ chứa với tổng kinh phí 287 tỷ đồng.

Nguồn: nhandan.com.vn