2019.08.09 - 806 lượt xem
Theo dự báo của các nhà khoa học, hiện mực nước ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Biển hồ và trên sông Mekong đang ở mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là mùa lũ năm 2019 sẽ về muộn, thấp và các vấn nạn như: hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt... Trước tình hình này, nhiều địa phương đã chủ động tìm biện pháp ứng phó.
* Toàn dân trữ nước
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết: tỉnh này vừa phát động cuộc vận động toàn dân trữ nước để tránh lặp lại trường hợp như đợt hạn năm 2016.
Trước đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 28 về việc phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi. Thời gian qua, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, chủ động trữ nước mưa, nước ngọt để phòng chống hạn, mặn bằng nhiều hình thức với mong muốn có đủ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô mà không trông chờ vào Nhà nước.
Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn trước, tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã nhạy bén hơn xây dựng thêm nhiều mô hình trữ nước ngọt trong ao, mương, vườn…
Tin vui là đầu tháng 8 này, tỉnh Bến Tre khánh thành hồ chứa nước ngọt dung tíchhơn 800.000 m3 nướctại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Hồ chứa nước nhân tạo này có sức chứa, đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong khoảng 6 tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000 ha đất nông nghiệp trong vùng. Lãnh đạo tỉnh cho biết, tiếp nối dự án này, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng các hồ chứa quy mô cho các địa phương trong tỉnh.
* Dùng túi trữ nước ngọt
Đó là kinh nghiệm được người dân các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) áp dụng. Theo đó, người dân sử dụng túi nhựa dạng ống, buộc hai đầu lại để chứa nước. Để cân bằng áp suất, túi không bị bể, họ thả xuống ao, mương bên hông nhà, khi cần thì kéo một đầu lên múc nước ra sử dụng.Theo chia sẻ của người dân trong vùng, cách này khá dễ làm, tương tự như làm túi biogas.
Không chỉ chứa nước mưa để ăn uống, họ cũng dùng cách này để chứa nước phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, bà con có thể vượt qua được mùa khô, thiếu nước.
* Nạo vét kênh để trữ nước, chuyển đổi cây trồng
TheoGiám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - ông Lương Minh Quyết, nạo vét kênh để trữ nước là cách địa phương này triển khai để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay.Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động duy tu, nạo vét, khơi thông toàn bộ hệ thống kênh mương nhằm khai thác hiệu quả nhất và trữ nước, phục vụ sản xuất. Song song với đó, Sóc Trăng cũng đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa hệ thống đê bao ven biển, ven sông.
Trong khi đó, tỉnh An Giang chủ trương chuyển trồng lúa sang cây trồng cạn đối với 17.000/30.000 ha theo kế hoạch đến năm 2020. Ưu tiên sử dụng một số giống lúa có khả năng chịu hạn tốt.
* Phối hợp liên vùng
Phối hợp liên vùng trong vận hành hệ thống thủy lợi là kinh nghiệm hay đang được hai tỉnh tỉnh Kiên Giang và An Giang phối hợp triển khai. Theo đó, hai tỉnh phối hợp trong việc bố trí lịch thời vụ xuống giống luân phiên ở các phân vùng, kết hợp chặt chẽ vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống ngăn mặn trữ ngọt ở vùng ven biển theo phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn xảy ra.
Nguồn:monre.gov.vn